Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang phát triển với tốc độ nhanh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì trên 25%, và dự báo sẽ tăng trưởng 22 – 23% trong năm 2018. Trong đó, riêng bảo hiểm nhân thọ duy trì mức tăng tới hơn 40% và năm nay dự báo sẽ giữ được “phong độ”, để bù đắp cho phần tăng chậm hơn của bảo hiểm phi nhân thọ.
Sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ được thể hiện rõ nhất trên thị trường khi có một giai đoạn, nhất là những năm 2008 – 2010, người người đi bán bảo hiểm, nhà nhà bán bảo hiểm. Kể cả những năm sau đó kinh tế khó khăn, bảo hiểm vẫn phát triển, doanh thu vẫn tăng ầm ầm, đi đến đâu cũng gặp người mời gọi mua bảo hiểm nhân thọ.
Đến nay, ngoài sự phát triển của bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm, thì họ, tận dụng kênh khách hàng của ngân hàng, đã không ngần ngại chi cả nghìn tỷ để được bán bảo hiểm độc quyền cho các khách hàng của ngân hàng. Sự lấn sân này lại càng làm gia tăng đội ngũ bán bảo hiểm.
Để hoàn thành một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường phải cần đến ít nhất 1 tháng cho các công tác tư vấn, ký kết, xác minh, trả hợp đồng, và sau đó đến thời gian cân nhắc (thường là nửa tháng đến 3 tuần), rồi mới chính thức có hiệu lực.
Nhưng đó là trên lý thuyết. Thực tế có có rất nhiều trường hợp mua bảo hiểm chỉ cần vài ngày là xong!
Chẳng hạn, trong hợp đồng, sau khi điền đầy đủ các thông tin về cá nhân người được bảo hiểm và người thụ hưởng cũng như thu nhập, thì có phần quan trọng phải cung cấp cho bên bảo hiểm đó là tình trạng sức khoẻ. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự chấp thuận hay không cuả nhà cung cấp dịch vụ.
Thế nhưng, nhiều hợp đồng bảo hiểm, người mua chỉ việc điền thông tin là không có bệnh tật gì. Thậm chí các chuyên viên chưa hỏi người mua có bệnh hay gì không, đã hướng dẫn người mua “tick” tất cả các chữ KHÔNG trong phần hỏi về sức khoẻ của người được bảo hiểm, sau đó chờ đợi vài ngày để bên bảo hiểm chấp thuận và gửi hợp đồng về theo địa chỉ đăng ký. Trong khi đó quy định là bên bảo hiểm phải xác minh tình trạng sức khoẻ của người tham gia bảo hiểm thông qua giấy khám sức khoẻ của bệnh viện, đó cũng là cơ sở để họ đi đến kết luận có chấp thuận hợp đồng hay không.
Sự vội vàng, làm tắt này của những người bán bảo hiểm làm dấy lên lo ngại, có hay không tình trạng này sẽ làm gia tăng việc trục lợi bảo hiểm của người mua?
Theo giám đốc khu vực của một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn tại Tp. Hồ Chí Minh, việc trục lợi bảo hiểm là có thật trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên việc ký kết hợp đồng phải chứng minh sức khoẻ như thế nào thì mỗi công ty bảo hiểm lại có một quy định riêng, và thường là chỉ bắt buộc với gói bảo hiểm lớn, với các gói nhỏ thì người bán bảo hiểm sẽ trực tiếp thông tin tới khách hàng.
Chẳng hạn, theo một chuyên viên cao cấp của bảo hiểm AIA, công ty này chỉ yêu cầu khách hàng phải chứng minh tình trạng sức khoẻ nếu giá trị của gói bảo hiểm với phí đóng trên 50 triệu đồng/năm. Còn các hợp đồng nhỏ hơn thì sẽ căn cứ trên lời khai có đảm bảo của khách hàng trong hồ sơ để làm căn cứ phê duyệt hợp đồng.
Trả lời thắc mắc của người viết, rằng nếu chẳng may khách hàng cố tình khai không có bệnh khi mua bảo hiểm để trục lợi thì công ty giải quyết thế nào? Vị giám đốc nói trên cho biết các công ty bảo hiểm thường quản lý rất chặt chẽ khâu này.
“Năm ngoái tôi đã gặp một trường hợp tương tự. Trong hợp đồng khách hàng mua bảo hiểm nói rằng không có bệnh gì, nhưng một thời gian ngắn sau phát hiện ung thư và đòi bảo hiểm phải chi trả. Lúc này công ty kiểm tra trên hệ thống liên kết với các bệnh viện thì phát hiện vị khách hàng đã từng khám ở bệnh viện Bạch Mai năm 2015 và có bệnh án là bị ung thư. Sau đó bảo hiểm thông báo với khách hàng rằng sẽ không chi trả quyền lợi bảo hiểm ung thư cho khách vì khai không đúng sự thật”.
Vị này cho biết thêm, trong hợp đồng đã quy định phải cam kết không mắc các bệnh hiểm nghèo (thường là danh sách 45 bệnh hiểm nghèo), nếu khách hàng cố tình khai khống thì rõ ràng đã vi phạm vào thoả thuận, và phải chịu thiệt hại về mình.
Ông cho biết thêm, đối với các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, công ty vẫn sẽ chi trả quyền lợi bình thường với điều kiện trước khi mua bảo hiểm, dù có bệnh nặng đến đâu, mà người được bảo hiểm chưa từng khám chữa bệnh hoặc chưa phát hiện ra bệnh. “Đối với bảo hiểm nhân thọ, người mua hãy nhớ lưu ý đến vấn đề sức khoẻ, cần trung thực khi khai báo với bên cung cấp bảo hiểm để tránh việc mua bảo hiểm rồi không được thanh toán, mang thiệt vào thân” – ông nhắn gửi.