MSCI và quyền lực ngầm của những công ty xây dựng chỉ số

Hồi tháng 9/2015, ông Alonso Segura Vasi, người khi đó đang ngồi ở ghế Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Peru, đã đột ngột bay tới New York để gặp mặt một số quan chức NHTW và các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Tại đây, ông đã thảo luận về một vấn đề chưa từng được đề cập và xem xét một cách nghiêm túc: ý định hạ bậc thị trường tài chính nước này xuống hạng thị trường cận biên (Frontier Market) của MSCI. Lý do mà MSCI đưa ra là thanh khoản thị trường quá thấp.

Điều gì tạo động lực khiến cho các quan chức lãnh đạo cao cấp của quốc gia Nam Mỹ này gạt bỏ những công việc cấp bách khác trong nước để cùng tham gia chuyến bay kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ đến New York? Trước đó, đã có những tin đồn về việc MSCI Inc – công ty nổi tiếng chuyên tính toán và cung cấp các chỉ số cho nhiều thị trường tài chính – dự kiến loại Peru ra khỏi rổ tính toán chỉ số các thị trường mới nổi của công ty này.

Ngoài MSCI, việc các công ty cung cấp chỉ số ngày càng đưa ra nhiều quyết định chủ quan trong việc nâng hoặc hạ bậc các thị trường tài chính khiến cho những nhà điều hành như ông Vasi trở nên phẫn nộ và có những động thái can thiệp mạnh mẽ.

Sau khi rời khỏi vị trí Bộ trưởng Kinh tế Tài chính của Peru năm 2016, ông Vasi giữ chức Giám đốc Tài chính của Đại học Công giáo Peru. Ông cho rằng mặc dù Peru là một quốc gia có ít tên tuổi trong danh sách các thị trường mới nổi, nhưng việc hạ xếp hạng quốc gia này xuống thị trường cận biên là chưa hợp lý, bởi nếu được đưa vào tính toán trong rổ các chỉ số thị trường cận biên, quốc gia Nam Mỹ này có thể chiếm tới hơn 20% vốn hóa chỉ số và gây ra những sự mất cân bằng không đáng có trong nhóm các thị trường cận biên.

Nhận xét của ông Vasi chưa tính đến thực tế một số quốc gia đình đám trong nhóm thị trường cận biên như Việt Nam, Croatia hay Kenia cũng đang đạt sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Chẳng hạn với Việt Nam, tính tới cuối tháng 11/2017, VN-Index, đã tăng trưởng hơn 40% so với đầu năm và chứng khoán VN lọt top 3 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Xét về quy mô nền kinh tế, GDP Việt Nam hiện tại thậm chí có chút nhỉnh hơn hơn so với Peru. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện thị trường để đáp ứng các điều kiện của thị trường mới nổi.

Quyền lực ngầm của các công ty chỉ số

Tuy nhiên, có một thứ khác đang thực sự mất cân bằng: vai trò và sức ảnh hưởng của các công ty chỉ số đang ngày càng tăng lên. Trong bối cảnh các sản phẩm đầu tư thụ động ngày càng trở nên phổ biến, sự thêm bớt cổ phiếu vào rổ chỉ số tính toán của những công ty như MSCI, FTSE Russell, S&P hay Dow Jones không chỉ tác động tới các chỉ số chuẩn của thị trường mà còn thu hút nhiều hơn dòng tiền vào và ra đối với các cổ phiếu được lựa chọn cơ cấu tăng hoặc giảm.

Tương tự, các quyết định nâng hạng hoặc giảm hạng của các công ty chỉ số với mỗi quốc gia tác động không nhỏ tới dòng tiền đầu tư vào hoặc ra khỏi quốc gia đó. Việc thị trường tài chính quốc tế chấp nhận các hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng của các công ty chỉ số làm gia tăng quyền lực của các công ty này trong việc định hình vị thế tài chính của từng khu vực, quốc gia hoặc doanh nghiệp cụ thể. Chính điều này khiến các nhà lãnh đạo lo ngại và đưa ra những chỉ trích, chẳng hạn như các lãnh đạo Peru.

Các chỉ số tham chiếu cho thị trường (benchmark) bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, khi Charles Dow, người đồng sáng lập Dow Jones & Co., tính toán và công bố chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) từ năm 1885 trên tờ tạp chí mà ông sáng lập, nay trở thành tạp chí nổi tiếng nhất phố Wall – The Wall Street Journal. Qua thời gian, số lượng các benchmark cho các ngành khác nhau cũng như các thị trường khác nhau tăng lên nhanh chóng. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng của số lượng benchmark trên thế giới còn cao hơn tốc độ tăng trưởng số lượng cổ phiếu trên các thị trường.

Ông Mohamed El Erien, Tổng Giám đốc tư vấn kinh tế của Allianz SE – một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới đang quản lý hơn 1.000 tỷ USD tài sản, nhận định nhiều nhà đầu tư hiện nay ngày càng tin tưởng vào các benchmark và xem chúng như những cơ sở tham chiếu chuẩn xác, an toàn. Cùng với đó, việc các sản phẩm đầu tư thụ động (các quỹ ETF, hoặc quỹ đầu tư dựa trên thuật toán) phát triển mạnh mẽ đã ngày càng gia tăng quyền lực cho những công ty cung cấp chỉ số.

Đặc biệt tại các thị trường mới nổi, quyền lực của những công ty này được thể hiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây với những quyết định nâng hạng đối với các thị trường như Trung Quốc, Argentina hay Venezuela. Việc công bố nâng hay hạ xếp hạng của mỗi thị trường sẽ tác động tới hàng tỷ USD vốn chảy vào hoặc rút ra khỏi thị trường đó. Tương tự với các cổ phiếu riêng lẻ, việc lựa chọn mỗi cổ phiếu để thêm vào hoặc rút ra khỏi danh mục tính toán chỉ số cũng tác động mạnh mẽ tới sự tăng giảm của giá cổ phiếu trong ngắn hạn cũng như triển vọng huy động vốn dài hạn. Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoàn toàn có thể phản ứng với những quyết định này một cách lý trí hoặc đôi khi có thể tác động tới quyết định thêm bớt cổ phiếu của các công ty chỉ số, thì phần lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ là những người hành động theo bản năng và gánh chịu rủi ro bởi thiếu thông tin.

Đón đọc kỳ 2: Các công ty xây dựng chỉ số kiếm tiền từ đâu?

Hai “tượng đài” sẽ nắm trong tay 20.000 tỷ USD và thống trị mọi ngõ ngách của thế giới đầu tư

Bài viết mới