Báo cáo tài chính quý IV của “ông hoàng sá xị” Chương Dương (SCD) đã ghi nhận năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE. Theo đó, năm 2017 SCD chỉ đạt 339 tỷ đồng doanh thu, và báo lỗ trước thuế 2,2 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ giảm gần 20 nhưng lợi nhuận của công ty đã sụt giảm mạnh so với kết quả gần 31 tỷ của năm trước.
Kết quả này, đồng thời, cũng kém xa chỉ tiêu kế hoạch 494 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã được ĐHĐCĐ công ty thông qua trước đó.
Riêng trong quý cuối cùng của năm 2017, doanh thu của Chương Dương chỉ bằng một nửa cùng kỳ, và báo lỗ gần 17 triệu đồng. Theo giải trình của công ty, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 7,1 triệu lít, giảm 49% cùng kỳ là tác nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Chương Dương giảm mạnh. Dù tiết giảm chi phí 40%, song con số này không đủ để kéo lợi nhuận của công ty trở thành số dương.
CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004 và niêm yết tại HOSE sau đó hai năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tăng trưởng mạnh với doanh thu của những “đại gia” nước ngoài như Cocacola hay PepsiCo lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Chương Dương chỉ trồi sụt quanh mốc vài trăm tỷ và gần như “dậm chân tại chỗ”.
Theo một số phân tích, ngành nước giải khát Việt Nam có tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8-12%/năm, nhưng doanh thu và lợi nhuận gộp của Chương Dương hầu như không thay đổi trong ít nhất 5 năm gần đây. Kết quả đạt được năm 2017 chỉ tương đương với giai đoạn cách đây 7 năm, thậm chí còn thấp cùng kỳ năm trước.
Thế mạnh lâu nay của công ty là nước giải khát có gas, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị. Tuy nhiên, trước tình trạng ngày càng thất thế trên thị trường, thương hiệu từng một thời là niềm tự hào của người dân miền Nam đang dần thoái lui, nhường sân chơi về tay những đối thủ ngoại.
Ban lãnh đạo công ty từng cho biết, Chương Dương đang phải vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Năm 2016, công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Trong khi đó, bản thân quyết sách của công ty cũng có nhiều lỗ hổng. Vốn là thương hiệu lớn với dòng sá xị, song Chương Dương không phát huy được lợi thế này mà liên tục để mất thị phần và các kênh phân phối vào tay đối thủ. Các thương hiệu đồ uống lớn luôn tìm cách đẩy mạnh triển khai các kênh bán hàng và mở rộng mạng lưới phân phối, thì Chương Dương vẫn đi theo theo những cách thức “xưa cũ” là tập trung vào các đại lý.
Mặt khác, từ khi niêm yết đến nay, vốn chủ sở hữu của Chương Dương vẫn giữ nguyên ở mức 85 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại hàng năm phần lớn dành để chia cổ tức, khiến ngân sách đầu tư ngày càng eo hẹp. Thậm chí khoản chi dành cho bán hàng và tiếp thị cũng rất hạn chế so với những doanh nghiệp cùng ngành. Trong khi đó, các hãng nước giải khát nước ngoài thường xuyên đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để chèn ép doanh nghiệp nội địa. Năm 2016, công ty phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, kéo theo doanh thu chỉ hoàn thành 89% kế hoạch đề ra.
Hiện, công ty mới xây dựng được hệ thống hơn 400 đại lý phân phối và vài nghìn điểm bán hàng tập trung chủ yếu tại khu vực TP HCM và các tỉnh miền Tây. Trong chiến lược kinh doanh mới được đưa ra, Chương Dương cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm không gas và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với thị trường trong nước và khu vực. Tuy nhiên, với kết quả thua lỗ vừa ghi nhận năm 2017, thách thức của doanh nghiệp hơn 40 năm tuổi này không phải bài toán dễ giải quyết.