Một thập kỷ chính sách tiền tệ nới lỏng tại châu Âu chuẩn bị kết thúc?

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Mario Draghi, khẳng định rằng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đủ mạnh để có thể vượt qua những rủi ro gia tăng.

Điều đó giúp lý giải cho quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc ngừng mua trái phiếu và chấm dứt khoảng thời gian nới lỏng chính sách trong một thập kỷ ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

ECB thông báo sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu hiện tại từ 30 tỷ euro/tháng xuống 15 tỷ euro/tháng từ tháng 10 tới tháng 12/2018 và sau đó sẽ chấm dứt hẳn chương trình này, Chủ tịch ECB tuyên bố sau cuộc họp của hội đồng quản lý ECB tại Latvia vào ngày thứ Năm.

ECB cam kết sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục ít nhất cho đến mùa hè năm 2019.

Khi làm như vậy, quan chức ECB hẳn đã kỳ vọng rằng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đủ mạnh để có thể vượt qua khoảng thời gian chững lại khi mà rủi ro từ nhiều bên tăng dần, có thể kể đến việc Mỹ đang ngày một siết chặt chính sách bảo hộ thương mại và khả năng Italy đang khó khăn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Các chuyên gia tham gia khảo sát ý kiến của Bloomberg từng nhận định tuyên bố này sẽ bị trì hoãn cho đến tháng 7/2018 mới được đưa ra.

Thông báo của ECB được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ lần thứ 2 trong năm nay, nhấn mạnh rằng kỷ nguyên chính sách tiền tệ thả lỏng tại châu Âu và Mỹ rồi cũng sẽ dần đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã không lựa chọn điều chỉnh chính sách theo hướng của Fed. Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) dự kiến sẽ vẫn duy trì chính sách kích thích tiền tệ khi ngân hàng này nhóm họp vào ngày thứ Sáu.

Sau thông tin về định hướng chính sách trên, đồng euro giảm giá 1% và giao dịch ở mức 1,1675USD đổi 1 euro. Trước khi quyết định trên được công bố, giới chuyên gia kinh tế đã dự báo về khả năng lãi suất sẽ tăng từ giữa năm sau.

Tuy nhiên, quyết định của ECB cũng sẽ có những sự điều chỉnh nhất định. Ông Draghi khẳng định việc chấm dứt chương trình mua tài sản sẽ tùy thuộc vào số liệu công bố sắp tới, và rằng lãi suất cơ bản đồng euro sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục cho đến khi lạm phát đạt được tăng trưởng trên mức 2% trong trung hạn. Ông khẳng định hội đồng quản lý ECB luôn sẵn sàng điều chỉnh công cụ chính sách nếu cần thiết.

Ông dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, thấp hơn dự báo 2,4% trước đó. Ước tính tăng trưởng kinh tế cho năm 2019 và 2020 không thay đổi ở mức 1,9% và 1,7%.

Lạm phát được ước tính ở mức 1,7% trong năm nay, cao hơn dự báo 1,4% trước đó bởi giá dầu điều chỉnh tăng, tốc độ tăng của lạm phát được cho là sẽ duy trì ở mức trên trong năm 2019 và 2020.

Bitcoin nằm ở đâu trong lịch sử tiền tệ?

Bài viết mới