Ông Sa Lê cho biết: “Giá bán hiện từ 550.000 – 600.000 đồng/con chỉ nặng 500 – 600gr do thịt le le cung cấp dinh dưỡng cao. Nhiều người ở TPHCM, TP.Cần Thơ, An Giang… đặt hàng liên tục nhưng tôi không đủ hàng bán. Năm trước tôi bán được gần 1.800 con, lời trên 800 triệu đồng. Năm nay số lượng giảm bởi le le con rất khó nuôi”.
Cũng theo ông Sa Lê, thấy mô hình nuôi le le ở một số địa phương thành công, ông quyết định đi tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi rồi bắt đầu gây đàn. Ban đầu, ông chỉ nuôi 40 con, thấy hiệu quả nên tăng đàn lên hàng trăm con. Không chỉ nuôi le le bán thịt, ông Sa Lê còn thành công trong việc ấp, bán le le con cho người nuôi ở một số địa phương thuộc vùng ĐBSCL.
Khu vực nuôi le le của ông Sa Lê diện tích khoảng 1.000 mét vuông; ở giữa là “tiểu đảo” được trồng cỏ, xung quanh là mương nước thả lục bình để tạo bóng mát. Để bảo vệ đàn le le khỏi bị chuột, rắn cắn, ông Sa Lê làm một cái nhà kín, dùng lưới bao xung quanh.
Theo ông Sa Lê, le le bắt đầu mùa sinh sản vào 2 tháng 7 – 8. Ông chọn ra những cặp khoẻ mạnh rồi tách đàn, tạo ổ cho chúng đẻ. Trung bình một con le le mái đẻ từ 10 – 15 trứng. Trước đây, ông Sa Lê ấp trứng le le bằng máy ấp trứng (thời gian từ 28 – 30 ngày). Hiện ông đã thành công khi cho ấp trứng le le bằng gà mái (thời gian chỉ còn 20 – 22 ngày). Le le từ lúc nở đến lúc bán nuôi khoảng 6 – 7 tháng.
Ông Sa Lê còn tận tình hướng dẫn những người bắt đầu nuôi le le. Ông U Mơ (dân tộc Chăm – ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang) kể: “Thấy cuộc sống của tui khó khăn, ông Sa Lê kêu xuống nhà chỉ cách nuôi le le. Sau đó tui mua 50 con le le nhỏ về nuôi, khi bán lời hơn 30 triệu đồng. Hiện tui đang nuôi 100 con…”.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng ấp Vĩnh Hòa – nhận xét: “Ông Sa Lê là một người dân tộc Chăm năng động, sẵn sàng giúp đỡ bà con nghèo. Ông cũng rất nhiệt tình đóng góp xây dựng các công trình phục lợi tại địa phương như làm đường, bắc cầu, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học…”.