Một luật sửa năm luật thuế, chuyên gia bảo không “khơi khơi” nói phù hợp hay không nếu Bộ chưa đưa báo cáo đánh giá tác động

Tăng VAT nên là lựa chọn cuối cùng

Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên để trình Chính phủ trong quý III/2017. Dự thảo này cũng được báo cáo Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội năm 2018.

Cụ thể, theo tờ trình của Bộ thì Dự án Luật dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9 và trình UBTV Quốc hội tại ký họp tháng 10/2017.

Dự án luật này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận vì những tác động đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Trọng tâm của lần điều chỉnh bao gồm hai vấn đề lớn: quy mô tổng của thuế và quy mô của từng sắc thuế trong tổng thu ngân sách nhà nước; thực hiện điều chỉnh cơ cấu.

Ông Ánh nói rằng Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị liên quan đến cơ cấu ngân sách nhà nước nhắc đến cơ cấu thuế trực thu và gián thu. Trong đó, ở lần điều chỉnh này lựa chọn hai sắc thuế trực thu điển hình là thuế TNCN và thuế TNDN.

Vì giảm thuế trực thu nên thuế gián thu sẽ bị áp lực, tuy nhiên, có nhiều cách để điều chỉnh mà như TS. Ánh chỉ ra là 4 lựa chọn:

Thứ nhất là mở rộng đối tượng chịu thuế hay nói cách khác là tăng diện thu thuế.

Thứ hai là giảm bớt các ưu đãi hỗ trợ về thuế không cần thiết.

Thứ ba là chống thất thu thuế, vừa đảm bảo quy mô thu ngân sách, vừa tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

“Lựa chọn cuối cùng, tức thứ 4 mới là điều chỉnh thuế suất”, ông Ánh cho biết. Bởi theo ông, điều chỉnh thuế suất là sự lựa chọn nhạy cảm tác động đến cả xã hội. Do đó, cần đặc biệt lưu ý lựa chọn mức độ điều chỉnh, thời điểm và căn cứ thuyết phục lý do điều chỉnh thuế suất.

Chưa đủ cơ sở để nói mức độ điều chỉnh thuế suất VAT đã phù hợp hay chưa

Nhấn mạnh việc điều chỉnh thuế có nhiều cách để làm như đã kể ra chứ không riêng gì điều chỉnh thuế suất, ông Vũ Đình Ánh nói rằng cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế GTGT.

Đặc biệt, ông lưu ý khi ban hành một văn bản pháp lý dưới dạng luật cần phải đưa ra báo cáo đánh giá tác động.

“Đối với một dự thảo luật điều chỉnh 5 sắc thuế thì càng phải đánh giá tác động, ảnh hưởng của nó đến phát triển kinh tế xã hội, từng nhóm dân cư, nhóm thu nhập, lạm phát, thổng thu ngân sách như thế nào”, TS. Ánh bình luận.

Đánh giá này, theo ông, phải bám theo chức năng của thuế. Ví dụ ở trường hợp thuế GTGT, chức năng đầu tiên của nó là phân phối lại thu nhập vậy việc phân phối lại đó sẽ biểu hiện như thế nào trên các mô hình định lượng, nó tương quan như thế nào tự thân nó với các yếu tố bên ngoài…

Thứ hai là chức năng điều tiết kinh tế. Với việc điều chỉnh 2% thì tác động như thế nào đến sản xuất kinh doanh, biến số vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, cân đối cán cân thương mại…

Thứ ba mới đến tác động về quy mô thu ngân sách nhà nước.

“Phải đánh giá tác động như vậy mới đưa ra được lý do tại sao thuế suất được điều chỉnh như vậy, có phương án nào khác hay không và lộ trình như vậy”, TS. Vũ Đình Ánh nói, và “sau khi có đánh giá như vậy mới hi vọng trả lời là mức thuế suất điều chỉnh đã phù hợp hay chưa”, ông bổ sung.

Hôm 29/8, khi chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết Bộ đã có đánh giá tác động và khẳng định đảm bảo đầy đủ ở các mặt. Báo cáo này đến nay chưa được công bố rộng rãi.

Trao đổi với ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công công độc lập, ông cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm túc yêu cầu công bố thông tin và lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của như yêu cầu của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

Luật này nói rõ đề nghị xây dựng Luật và đánh giá tác động phải được lấy ý kiến ít nhất là 30 ngày. Tuy nhiên, đến nay bộ Tài chính không công bố chính thức 2 tài liệu này.

Ông cho rằng, ngoài việc vi phạm yêu cầu công bố thông tin, cách thức truyền thông về dự thảo chính sách của Bộ Tài chính là bất hợp lý và điều đó, đáng tiếc tác động tiêu cực đến việc thu hút sự ủng hộ của chuyên gia và công chúng đối với dự thảo chính sách.

“Theo những tài liệu tôi tiếp cận được, tôi cho rằng bộ Tài chính đã có sự chuẩn bị công phu cho dự thảo này. Bộ đã xây dựng được một kế hoạch khá tổng thể về cải cách thuế, đi kèm là những đề xuất chi tiết và đánh giá tác động xây dựng cho nhiều kịch bản khác nhau. Đáng tiếc rằng không hiểu tại sao khi công bố thông tin, Bộ lại chỉ nói nhiều về dự kiến tăng thuế GTGT.

Điều đó khiến cho cả giới chuyên gia lẫn dư luận chỉ tập trung vào mảng thuế GTGT, thay vì thảo luận chính sách trên một bức tranh tổng thể về cải cách và cơ cấu lại các loại thuế. Nếu chuyên gia, truyền thông và công chúng được tiếp cận tài liệu đầy đủ mà bộ đã xây dựng, trong đó bao gồm cả đánh giá tác động chính sách do Ngân hàng Thế giới thực hiện, chắc chắn các thảo luận và góp ý sẽ hữu ích hơn và có thể, bộ sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn cho các đề xuất mang tính cải cách khá căn bản của mình.

Đây thực sự là điều đáng tiếc và hy vọng, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan khác sẽ quan tâm đến việc truyền thông và công bố thông tin hơn. Một chính sách được dự thảo tốt chưa đủ, còn cần được truyền thông tốt để có thể thu được sự ủng hộ, từ đại biểu quốc hội lúc thảo luận và thông qua, và từ người dân để thuận lợi trong giai đoạn thực thi”, ông Nguyễn Quang Đồng bình luận.

Chính phủ yêu cầu chưa tăng thuế, phí, lệ phí trong năm nay

Bài viết mới