Morgan Stanley tham gia thị trường tư vấn tài chính bằng trí tuệ nhân tạo

Morgan Stanley đã tiến hành một động thái thúc đẩy muộn màng nhằm chiếm lĩnh thị trường “robo-advice” (dịch vụ tư vấn tài chính bằng trí tuệ nhân tạo) đang ngày càng phát triển tại Mỹ. Cụ thể, Morgan Stanley đã khởi động một dịch vụ tự động nhắm tới con cháu của các khách hàng giàu có.

Trong những năm vừa qua, những nền tảng đầu tư tự động như Betterment và Wealthfront đã thu hút hàng trăm ngàn nhà đầu tư với lời hứa hẹn sẽ quản lý tiền của họ với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí khi làm việc cùng các cố vấn là con người. Để giảm chi phí, những nền tảng này chủ yếu cung cấp các quỹ ETF giá rẻ và tái cân bằng danh mục định kỳ nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Trước động thái này, những nhà quản lý tài sản lớn như Vanguard và Fidelity cũng đã khởi xướng các dịch vụ tương tự; bên cạnh đó, những đơn vị môi giới như Bank of America và Wells Fargo cũng bước một chân vào thị trường này.

Theo Cerulli Associates, giá trị các quỹ do các phần mềm quản lý sẽ chạm mức 385 tỉ USD vào năm 2021, tăng hơn bốn lần so với thời điểm hiện tại. Devin Ryan, một nhà phân tích tại JMP Securities tại New York, cho biết các nền tảng tự động “có thể sẽ là mảng quan trọng của hầu hết các doanh nghiệp trong nền công nghiệp tư vấn tài chính trong những năm sắp tới hơn là trở thành một nét khác biệt.”

Morgan Stanley, tay đua mới nhất trong thị trường này, cung cấp nhiều lựa chọn bao gồm ETF, quỹ tương hỗ và bảy danh mục đi theo các chủ đề trong đó có bền vững, đa dạng giới tính và làn sóng công nghệ tiếp theo. Công cụ trực tuyến mới với tên gọi Access Investing được thiết kế nhằm thu hút thế hệ trẻ, bao gồm nhiều thành viên trong các gia đình giàu có.

Theo Naureen Hassan, giám đốc kỹ thuật số về quản lý tài sản, khoảng 70% khách hàng mở tài khoản trong những tuần đầu tiên đều dưới 44 tuổi. Hassan cho biết: “Chúng tôi phát triển công cụ này hướng tới thế hệ tiếp theo, nhằm đem khách hàng về cho Morgan Stanley ngay từ đầu vòng đời đầu tư, do đó, họ có thể phát triển cùng công ty.”

Trong những năm gần đây, quản lý tài sản đã trở thành mảng trọng yếu đối với Morgan, nhất là khi lợi nhuận thặng dư của mảng tự doanh chứng khoán cạn kiệt và các ngân hàng đã cố gắng cắt giảm mảng trái phiếu. Trong quý ba, doanh thu thuần từ mảng quản lý tài sản đã tăng 9% so với một năm trước, đạt mức 4,2 tỉ USD, trong khi doanh thu từ giao dịch và đầu tư giảm 4% xuống còn 4,4 tỉ USD.

Mảng quản lý tài sản của Morgan Stanley có 15.759 chuyên viên tư vấn tính đến cuối quý ba, chỉ thấp hơn con số 19.108 của BofA’s Merrill Lynch. Doanh thu hàng năm trung bình trên mỗi cố vấn đạt mức kỷ lục 1,07 triệu USD, tăng 10% so với năm ngoái.

Access Investing tính phí khách hàng 0,35% giá trị tài sản được quản lý với mức đầu tư tối thiểu 5.000 USD, tương đương với mức phí của các dịch vụ tư vấn bằng robot khác. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp đã cùng nhau giảm phí: ví dụ, Charles Schwab đã tích luỹ được khoảng 25 tỉ USD từ dịch vụ tư vấn miễn phí. Yêu cầu để khách hàng được hưởng dịch vụ miễn phí là số dư tối thiểu là 5.000 USD và tiền mặt chiếm tối thiểu 6% danh mục.

Trong tháng này, M1 Finance, một nhà tư vấn sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Chicago, đã chuyển sang mô hình không phí, không ràng buộc, cho phép các khách hàng của công ty lựa chọn cổ phiếu và các quỹ ETF miễn phí mà không cần thoả mãn tiêu chí về số dư.

Tuy nhiên trước động thái này của M1, Betterment, doanh nghiệp robo-advice độc lập lớn nhất đang quản lý khối tài sản trị giá 12 tỉ USD, đã ngay lập tức bày tỏ thái độ coi thường. Dan Egan, giám đốc đầu tư và tài chính hành vi của Betterment, đã so sánh các nền tảng đầu tư miễn phí với các trang mạng xã hội miễn phí như Facebook và Twitter, ở đó, “khách hàng là sản phẩm” và các nhà quảng cáo can thiệp vào trải nghiệm người dùng.

Ông cho biết: “Chúng tôi muốn khách hàng trả tiền cho chúng tôi, do đó, chúng tôi liên tục cung cấp các sáng kiến nhằm giúp tài sản của họ tăng nhanh và hiệu quả nhất có thể”.

10.000 USD cho 1 cuộc gọi với chuyên viên phân tích ngân hàng đầu tư

Bài viết mới