Ngày nay chúng ta chẳng ai còn lạ gì với các món ăn xa xỉ, đắt đỏ trên thế giới như súp vi cá mập, trứng cá muối, gan ngỗng… Dù rằng không phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức các loại vật phẩm đó và chỉ dừng lại ở mức “chiêm ngưỡng” thôi nhưng cũng phải thừa nhận rằng những món ăn đắt tiền như vậy ngoài việc cung cấp dinh dưỡng thì chúng còn là sản phẩm của nghệ thuật nấu nướng tinh hoa.
Nguồn gốc của món súp vi cá mập
Súp vi cá mập được sáng tạo bởi một vị Hoàng đế nhà Tống từ thế kỷ thứ X nhằm phô trương quyền lực và sự giàu có đối với triều thần trong các buổi yến tiệc. Kể từ đó, món ăn này được xem là một trong những biểu tượng của đẳng cấp và sự giàu sang, được tầng lớp giàu có châu Á ngày nay ưa chuộng.
Món ăn này được xếp trong danh sách “tứ đại món ngon” của Trung Quốc bao gồm bào ngư, súp vi cá mập, hải sâm, bao tử cá. Tất cả những món ăn này đều được dùng trong những dịp đặc biệt như đám cưới và chúng cũng được xếp ngang hàng với xế hộp tiền tỷ hoặc biệt thự hạng sang trong việc thể hiện đẳng cấp.
Người Trung Quốc thường kháo nhau rằng nếu một cô dâu mà lấy chồng về một gia đình không có bát súp vi cá mập trên bàn tiệc thì đời sống kinh tế của cô ấy sau này phải coi chừng có lúc thiếu thốn. Quả thực, món ăn đã trở thành cái hồn, cái thần không thể thiếu từ trong tâm thức của nhiều người ở đất nước Á Đông này rồi.
Vì sao súp vi cá mập lại đắt đỏ đến vậy?
Và tất nhiên, biểu tượng của sự giàu có sẽ không thể mang mức giá bình thường được. Một bát súp vi cá mập bình thường được bán với giá khoảng $65 đến $120 (khoảng 2 đến 3 triệu VND).
Trong vi cá mập chứa nhiều đạm nhất trong số các loại thực phẩm chứa đạm, thêm vào đó món ăn cũng được coi là loại thực phẩm bổ dưỡng cao cấp có nhiều tác dụng đặc biệt trong việc bảo vệ xương khớp, tái tạo lớp giác mạc, giúp vết thương mau lành hơn. Chưa dừng lại ở đó, cá mập cũng là loài sinh vật biển khó đánh bắt, số lượng lại không nhiều nên để có một bát súp thì rất nhiêu công sức, tiền bạc phải đổ vào đó. Và đương nhiên, giá thành cũng phải cắt cổ.
Vì những lý do trên, vi cá mập được xếp vào hạng thượng phẩm cung đình. Các “chuyên gia vi cá” đã nhận định rằng “món ăn thượng hạng phải nhìn rõ từng sợi láng mướt, giống như một lớp sụn mềm, giòn. Những sợi vi cá nếu đạt tiêu chuẩn phải nhỏ như sợi tóc và sáng óng ánh”.
Quy trình chế biến món ăn cũng cực kỳ phức tạp, vi cá được các đầu bếp ngâm trong nước ấm, bóc mỡ, làm sạch, ninh trong nước dùng đặc biệt. Việc chế biến để hoàn thành món vi cá thường phải kéo dài ít nhất 48 giờ. Một thực khách cho biết nước dùng của súp thường vàng óng, trong mà ngọt, vị ngọt dịu từ nước hầm xương gà, sườn heo, phải nói rằng ngon không gì sánh được.
Mặt trái tàn nhẫn của cảm giác thượng lưu
Dù nổi tiếng với tư cách là đại diện cho giới nhà giàu như vậy nhưng súp vi cá mập lại cũng có “tai tiếng” về nguồn gốc nguyên liệu của mình. Mỗi năm, có tới gần 100 triệu con cá bị bắt lên bờ để cắt lấy vây, và còn kinh khủng hơn khi chúng sau đó lại được trả lại biển khơi. Nhiều con còn sống, nhưng cũng không ít con với cơ thể trọng thương đã chìm dần đưới đại dương vì không thể bơi và chết vì mất máu hoặc làm mồi cho những con cá khác.
Con người đã dùng những chiếc dao sắc nhọn để nhanh chóng cắt đi phần vây cá, cả vây trên và vây dưới. Những chiếc vây này được gom vào container và chở về đất liền rồi phơi khô và bán ra ngoài thị trường, hoặc đưa trực tiếp vào các nhà hàng để chế biến món súp “đắt nhất hành tinh”, hoặc được bán thành các lọ vi cá khô cho các hộ gia đình. Món ăn này cũng lan ra nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ.
Câu chuyện đánh bắt tàn nhẫn không phải là thứ duy nhất gây tranh cãi cho món ăn này. Thứ khiến người ta lo ngại nhất chính là lòng tham vô đáy của con người. Súp vi cá vốn là một món ăn xa xỉ, nhưng với sự phát triển kinh tế như vũ bão của Trung Quốc, nhu cầu được thưởng thức món súp này tăng đột biến và kéo theo đó là sự gia tăng hoạt động đánh bắt cá mập.
Thêm vào đó, vì mục đích lợi nhuận, rất nhiều “doanh nhân” đã không ngần ngại trà trộn hàng giả vào các sản phẩm vây cá mập. Theo đó, thay vì hàng thật thì có vô vàn thực khách phải chịu chung tình trạng ăn gelatin (một chất kẹo dẻo màu trắng thường dùng để chế biến thực phẩm) thay vì vây cá mập hạng sang.
Cũng vì chuyện khai thác quá mức và tính tàn nhẫn mà rất nhiều nơi đã kêu gọi tẩy chay món ăn này, thậm chí là ngay tại Trung Quốc. Từ năm 2012, Trung Quốc và Hong Kong đã cấm sử dụng món súp vi cá trong các bữa tiệc chiêu đãi của Chính phủ.
Người Trung Quốc sau nhiều năm coi vây cá mập là thứ quà thể hiện đẳng cấp thì nay cũng đã nhận ra một vài điều, rằng rất có thể tiền mất tật mang; rằng rất có thể gặp phải người giả đẳng cấp; hay hơn nữa là chính tay và miệng mình đang góp phần vào việc tàn phá thế giới thủy sinh. Thêm vào đó, những nghiên cứu về độc tố trong vây cá mập cũng khiến người ta ngại ngần với món này hơn. Tuy nhiên, số người ngẫm được điều đó cho đến nay cũng chưa phải nhiều lắm, chưa kể những tranh cãi về độ cho nên câu hỏi liệu có nhất thiết phải ăn vây cá mập vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.