Những ngày gần đây, đặc biệt là khi tỷ phú Jack Ma sang Việt Nam nói về câu chuyện khởi nghiệp và thanh toán điện tử thì các câu chuyện liên quan đến công nghệ thông tin, đến internet, đến đi động và cách mạng công nghiệp 4.0 lại được nhắc đến nhiều hơn.
Ông chủ của Alibaba đánh giá rằng thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho thanh toán điện tử phát triển. Và tất nhiên, vị tỷ phú này không thể ngó lơ tiềm năng ấy, đã ngay lập tức bắt tay với NAPAS – đơn vị trung gian duy nhất của Việt Nam được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á.
Jack Ma đồng thời cho biết đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các Fintech Payment ở thị trường Việt Nam như cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; Hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code…
Ở một khía cạnh khác, công nghệ thông tin cũng được bàn đến nhưng là về nền tảng hạ tầng. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0 bởi chúng ta có nền hạ tầng viễn thông và mạng rất tốt, đó là thành quả từ sự phổ biến rộng rãi “người người dùng điện thoại, nhà nhà dùng Internet” trong một thập kỷ trở lại đây.
Tiếp đà tăng đó, để các công nghệ hiện đại có thể xuất hiện nhiều hơn, hạ tầng công nghệ trong nước cần liên tục được nâng cấp. Từ đây, mảnh đất màu mỡ của những thị trường thuộc về IT infrastructure, hay cụ thể là điện toán đám mây có dịp được nở rộ và ngày càng chứng kiến nhiều hơn các “anh tài” đổ bộ. Mới nhất, ngày 8/11, MobiFone đã đặt dấu mốc tham gia thị trường này khi hợp tác với hai đối tác nước ngoài là Rackspace và Commvault để cho ra mắt dịch vụ Cloud Backup lưu trữ phục hồi dữ liệu trên nền điện toán đám mây.
Điện toán đám mây có thể hiểu đơn giản là việc các phần mềm có dung lượng rất lớn, chẳng hạn như hệ thống phần mềm của ngân hàng, sẽ được nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet, thay vì nằm tại các máy tính gia đình, văn phòng. Để lấy dữ liệu, người dùng chỉ cần truy cập vào đám mây mà không cần lưu trữ phần mềm khổng lồ đó trong máy. Như thế, doanh nghiệp sẽ không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm, mà chỉ cần tập trung vào kinh doanh lĩnh vực riêng của mình bởi đã có người khác lo hộ vấn đề sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Google Drive, Dropbox…chính là những ví dụ điển hình của điện toán đám mây mà chúng ta đã quá quen.
Ở nhiều nước phát triển, điện toán đám mây đang là một trong các chủ đề nóng hổi nhất của giới công nghệ và kinh doanh bởi tiềm năng rất lớn lao đã được khẳng định của nó.
Google, với dịch vụ Google Cloud Platform, nhận định rằng vào năm 2020, doanh thu từ mảng cloud của tập đoàn này sẽ vượt quảng cáo – mảng doanh thu mà Google đang ‘hái ra tiền’. Ở danh sách 10 công ty có dịch vụ đám mây hàng đầu thế giới, người ta thấy sự cạnh tranh khốc liệt của những tên tuổi lớn như Amazon, IBM, Microsoft, Google, Rackspace…
Ở thị trường Việt Nam, trước khi MobiFone gia nhập, mảng điện toán đám mây đã có nhiều doanh nghiệp tham gia như Viettel, FPT hay CMC. Với sự góp mặt của một ông lớn viễn thông nữa, các doanh nghiệp sẽ có thêm sự lựa chọn và chi phí có thể rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn, phù hợp hơn.
Trả lời câu hỏi của PV về việc là doanh nghiệp đi sau thì Mobifone Global có tự tin để cạnh tranh với 3 đối thủ không, ông Phí Ngọc Anh, đại diện liên doanh mới về dịch vụ cho biết họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đang có lợi thế hơn hẳn. Còn với các nhà cung cấp nước ngoài, Amazon được xem là đối thủ cạnh tranh lớn nhất nhưng công ty của Việt Nam vẫn tự tin bởi Amazon có ưu thế về phục vụ cá nhân trong khi Cloud services lại đánh sâu vào phục vụ doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Phi Long, Tổng giám đốc MobiFone Global, công ty chưa đặt mục tiêu lợi nhuận vội trong ngắn hạn mà trước mắt là tìm kiếm khách hàng và doanh thu khoảng 2 triệu USD trong năm sau.
Trong số các doanh nghiệp nói chung thì doanh nghiệp đặc thù chuyên về tài chính ngân hàng là những người hơn ai hết cần đến sự bảo mật về thông tin. Dù rằng cho đến nay, các ngân hàng Việt và ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đều đã có những đối tác cung cấp dịch vụ cho việc lưu trữ và bảo mật thông tin, nhưng nhu cầu của nhóm khách hàng này chắc chắn chưa thể dừng lại. Trả lời câu hỏi của tác giả khi đề cập đến các đối tượng này, đại diện Cloud Backup cho biết họ đánh giá rất cao nhóm khách hàng này và cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để tiếp cận với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ.