GÓC NHÌN
Buôn bán hàng giả hay lừa dối khách hàng?
Có thể nói vụ gian lận thương mại của Khaisilk là vụ việc có tính chất nghiêm trọng nhất trong mấy năm gần đây trên lĩnh vực thương mại. Khaisilk đã lợi dụng lòng tin tuyệt đối của người tiêu dùng đối với thương hiệu của mình để trục lợi. Hành vi này là có chủ đích và được thực hiện có hệ thống. Mặc dù chưa có số liệu chính thức thống kê số tiền thu lợi bất chính là bao nhiêu nhưng như kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vụ việc nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, thì cũng đủ cho thấy mức thu lợi bất chính là không nhỏ.
Hành vi của Khaisilk có dấu hiệu tội phạm nào, được quy định ra sao trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) hiện hành là điều được dư luận hết sức quan tâm. Ở góc độ pháp luật, tôi cho rằng Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của 1 trong 2 tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo điều 156 BLHS hoặc “Lừa dối khách hàng” theo điều 162 BLHS.
Sở dĩ tôi cho rằng hành vi của Khaisilk có dấu hiệu của 1 trong 2 tội trên là vì việc mua hàng hóa từ Trung Quốc về, sau đó cắt bỏ xuất xứ “Made in China” và gắn vào thông tin “Made in Vietnam” là hành vi giả về xuất xứ hàng hóa.
Theo khoản 8, điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, hàng giả có 3 loại: hàng giả về nội dung – hàng giả về chất lượng hoặc công dụng; hàng giả về hình thức – hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; hàng giả về nội dung và hình thức – loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng của cơ sở sản xuất khác. Hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm Nghị định 185/2013 và điều 156 BLHS.
Tuy nhiên, hành vi của Khaisilk cũng có dấu hiệu của tội “Lừa dối khách hàng”, được quy định tại điều 162 BLHS. Những người có trách nhiệm của Khaisilk biết rõ hàng hóa mà họ bán ra không phải là tơ lụa Việt Nam nhưng vẫn gắn xuất xứ Việt Nam để bán giá cao. Trong khi đó, người tiêu dùng vì tin tưởng vào thương hiệu, vào uy tín doanh nghiệp mà không một chút nghi ngờ mình mua hàng “dỏm”.
Về mặt khách quan của tội phạm, giữa 2 tội danh này có những dấu hiệu tương tự nhau. Cụ thể, đều có hành vi gian dối trong việc bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính; hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt; cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp, giả về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa… để khách hàng phải thanh toán số tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế.
Do vậy, để xác định chính xác hành vi vừa qua của Khaisilk có dấu hiệu của tội danh nào thì cần xem xét đến khách thể của tội phạm mà hành vi này nhắm tới. Về lý luận khoa học hình sự, khách thể của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là xâm phạm chính sách quản lý thị trường của nhà nước, đồng thời xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất (hàng thật) và của người tiêu dùng. Còn khách thể của tội “Lừa dối khách hàng” là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp.
Về hình phạt, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” có mức hình phạt lên đến 15 năm tù, còn tội “Lừa dối khách hàng” lên đến 7 năm tù. Để xác định chính xác hành vi trên thuộc tội danh nào thì cần phải được cơ quan điều tra làm rõ. Trước mắt, theo tôi, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án hình sự để làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo.
Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự không chỉ trả lại sự công bằng cho khách hàng đã trót mua nhầm hàng của thương hiệu Khaisilk mà còn bảo vệ uy tín cho sản phẩm tơ lụa Việt Nam được sản xuất từ các làng nghề truyền thống, thu hồi những đồng tiền thu lợi bất chính của gian thương.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)