Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Qua đó mở ra nhiều cơ hội mới về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn các khu kinh tế trong thời gian tới.
Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải có đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam
Các khu kinh tế ven biển miền Trung
Báo cáo số 95-BC/BKTTW năm 2022 của Ban Kinh tế Trung ương cho biết vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước, trong đó có 4/8 khu kinh tế trọng điểm trọng điểm.
Trong thời gian qua, phát triển các khu kinh tế ven biển đã đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất. Một số dự án lớn, quan trọng tại các khu kinh tế của vùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng các địa phương trong vùng.
Đơn cử như, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải,…
Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sau gần 20 năm hoạt động, hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế mở từng bước được hoàn thiện, nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch được hình thành.
Trong 5 năm gần đây, từ 2017-2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế mở Chu Lai đạt khoảng 68.145 tỉ đồng, chiếm bình quân 60% tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 173 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 110 nghìn tỉ đồng. Trên địa bàn Khu kinh tế hiện có 125 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện khoảng 50 nghìn tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
Nằm bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất tại Quảng Ngãi cũng đã thu hút được trên 299 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 17,7 tỉ USD.
Cạnh đó không xa, Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã thu hút được 153 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 4,1 tỉ USD. Khu kinh tế Vân Phong đã giải quyết được hơn 6.200 việc làm mới cho lao động địa phương, trong đó có tới 4.000 việc làm được tạo ra từ nguồn vốn FDI.
Tại Bình Định, từ khi thành lập đến nay, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội đã được đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Tại Khu kinh tế Nhơn Hội đã có 121 dự án đầu tư, với tổng vốn khoảng 119.533 tỉ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 28.485 tỉ đồng.
Tại khu vực Bắc Trung bộ, Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã thu hút được 266 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 148.523 tỉ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.808 triệu USD.
Còn Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) tính đến năm 2020 đã thu hút được 151 dự án đầu tư. Trong đó có 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 59.802 tỉ đồng và 57 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỉ USD.
Nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Vũng Áng đã hoàn thành đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa đối với khu vực, giải quyết việc làm cho 18.230 lao động.
Tại Quảng Bình, Khu kinh tế Hòn La đến nay đã thu hút được 56 dự án với tổng mức đầu tư 91.000 tỉ đồng. Tại Thừa Thiên Huế có Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hiện có 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 82.049 tỉ đồng.
Đáng chú ý nhất là tại Khu kinh tế Đông Nam (tỉnh Quảng Trị) hiện có 45 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 143.968 tỉ đồng và có 23 dự án đang nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 152.364 tỉ đồng,…
Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào Khu kinh tế Vân Phong trong thời gian tới
Khu kinh tế Vân Phong
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch quan trọng, tác động lớn đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Khánh Hòa cũng như việc phát triển tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Khu kinh tế Vân Phong có quy mô khoảng 150.000ha, gồm diện tích mặt nước (khoảng 79.178ha), phần đất liền và đảo (70.822ha). Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 12 xã, thị trấn của huyện Vạn Ninh và 6 xã, 3 phường của thị xã Ninh Hòa hiện nay.
Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.
Theo quy hoạch điều chỉnh, các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái – vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm… có tổng diện tích đất khoảng 2.613 ha tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lãnh khoảng 2.027 ha và khu vực Dốc Lết khoảng 200 ha, các khu vực khác khoảng 386 ha.
Khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ – Hòn Ngang.
Khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn có diện tích 176 ha. Các khu vực sân golf khác có tổng diện tích khoảng 479 ha.
Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định phát triển dân cư đô thị có tổng diện tích khoảng 5.396ha; các khu vực phát triển dân cư hỗn hợp (dân cư, dịch vụ) có tổng diện tích khoảng 173ha; các khu dân cư nông thôn có tổng diện tích đất khoảng 1.418ha.
Ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất được phê duyệt, Quảng Ngãi đã bắt tay vào triển khai lập nhiều quy hoạch phân khu làm cơ sở để xúc tiến đầu tư những dự án mới.
Khu kinh tế Dung Quất
Bên cạnh Khu kinh tế Vân Phong nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.
Quy hoạch này cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm chính quyền địa phương, doanhnghiệp và cả người dân tỉnh Quảng Ngãi. Bởi quy hoạch điều chỉnh lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Theo quy hoạch điều chỉnh, Khu kinh tế Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 45.332 ha. Trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581ha, đảo Lý Sơn 1.492ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi 1.039,85 ha và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711ha.
Về định hướng phát triển, cơ cấu phân khu chức năng toàn khu kinh tế được chia làm 5 phân khu chức năng chính, gồm phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ – Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; phân khu đô thị Lý Sơn.
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung, trong đó các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 4.215ha.
Cụ thể, Khu công nghiệp Tây Dung Quất rộng khoảng 355ha; Khu công nghiệp Đông Dung Quất, khoảng 2.205ha; Khu công nghiệp Bình Hòa – Bình Phước I, khoảng 610ha; Khu công nghiệp Bình Hòa – Bình Phước II, khoảng 305ha; Khu công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 138ha; Khu công nghiệp VSIP, khoảng 582ha; Cụm công nghiệp Bình Nguyên, khoảng 20ha.
Quy hoạch cũng bổ sung Cụm công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 75ha. Đồng thời, bổ sung các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khoảng 3.750ha. Trong đó, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dung Quất I, khoảng 165ha; Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Dung Quất II, khoảng 1.085ha; Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Bình Thanh, khoảng 2.500ha.
Bên cạnh đó, quy hoạch cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608ha, trong đó khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa – Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153ha; trung tâm dịch vụ hầu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155ha.
Các đô thị, khu đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và bốn khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ – Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi).
Về định hướng phát triển đô thị, phấn đấu giai đoạn 2026 – 2035 huyện Lý Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp xã Tịnh Phong đạt đô thị loại V, thành lập thị trấn Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh.
Nhiều khu kinh tế đang lập điều chỉnh quy hoạch
Không riêng gì Khu kinh tế Vân Phong và Khu kinh tế Dung Quất, nhiều Khu kinh tế ven biển khác tại khu vực miền Trung cũng đang lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng.
Đơn cử như, điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên để trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ thương mại – du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển…
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La tại Quảng Bình.