Miền Bắc thất thu vụ mùa, giá gạo tăng chóng mặt

Giá còn tăng

Theo các chủ cơ sở kinh doanh lúa gạo tại thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên), nơi tập trung hàng trăm DN chế biến gạo, giá gạo xuất bán tại kho đang tăng rất mạnh.

Gạo chuyển từ các tỉnh phía Nam về vựa xay xát, kinh doanh gạo tại thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên)

Gạo chuyển từ các tỉnh phía Nam về vựa xay xát, kinh doanh gạo tại thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên)

Cụ thể, loại gạo có chất lượng tầm trung như IR50404, khang dân, BC15… đang có giá từ 12 – 15 nghìn đồng/kg (tùy loại), tăng từ 800 – 1.000 đồng/kg. Riêng gạo chất lượng cao giống Bắc thơm 7 tăng giá từng ngày, hiện đã lên mức bình quân 15 nghìn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thực, một chủ cơ sở kinh doanh lúa gạo có thâm niên ở làng Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ) cho biết, hiện mỗi ngày các sơ sở kinh doanh gạo tại đây vẫn xuất đi tiêu thụ ở thị trường phía Bắc trung bình khoảng 10 tấn/cơ sở. Tuy nhiên, lượng lúa gạo từ các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… đổ về rất ít do mất mùa. Nguồn gạo chủ yếu được chuyển từ TP.HCM và các tỉnh miền Trung ra theo đường biển.

“Năm nay phía Bắc mất mùa to! Cứ nhìn vào lượng lúa gạo tập trung về Trai Trang thì biết, lượng lúa gạo chí ít cũng giảm 40% so với mọi năm. Hiện tại, do phía Bắc mới thu hoạch xong vụ mùa nên ngoại trừ các giống đặc sản tăng cao bất thường, còn lại giá gạo bình quân chỉ tăng ở mức trung bình 1.000 đ/kg. Tuy nhiên nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán, giá gạo tại phía Bắc sẽ tăng mạnh”, bà Thực dự báo.

Một DN chế biến và XK gạo lớn ở phía Bắc cũng cho biết: “Cty chúng tôi đang mắc kẹt một số hợp đồng đã ký khoảng trên 10 nghìn tấn gạo để XK sang Nhật Bản và Trung Quốc do giá thóc trong nước tăng mạnh không thể mua được”.

Cân đối tổng sản lượng

Mặc dù chưa có thống kê chính xác, tuy nhiên đến thời điểm này, một số địa phương cho biết sản lượng lúa vụ mùa 2017 bị tụt rất mạnh, nhất là các tỉnh lúa chủ lực ở vùng ĐBSH, trong đó có Nam Định vốn có diện tích lúa chất lượng cao rất lớn.

Ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Thống kê cho thấy toàn tỉnh có tới 9.100ha đã cầm chắc mất trắng do bệnh lùn sọc đen, cùng 8.000ha khác mất từ 30 – 70% năng suất do lùn sọc đen. Đặc biệt, số diện tích mất trắng do úng ngập lên đến hơn 20 nghìn ha. Như vậy, riêng Nam Định đã có khoảng trên 33 nghìn ha mất trắng, chiếm 50% trong tổng số diện tích 76 nghìn ha lúa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khoảng 45 nghìn ha lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần lại phải thu hoạch non khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo rất thấp.

“Giá lúa trên địa bàn tỉnh đang tăng chóng mặt, nhất là lúa Bắc thơm 7 đã lên tới trên 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với mọi năm. Các giống khác cũng tăng khoảng trên 1.000 đồng/kg”, ông Điền cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo đánh giá sơ bộ đến thời điểm hiện tại, năng suất lúa cả năm tại miền Bắc sẽ giảm khoảng 266 nghìn tấn, trong đó riêng vụ mùa 2017 giảm khoảng 133 nghìn tấn so với năm 2016, chủ yếu là do ảnh hưởng của ngập lụt và sâu bệnh tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và ĐBSH. Việc tụt giảm sản lượng còn có nguyên nhân do giảm diện tích đất lúa trên phạm vi cả nước (chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác năm 2017 ước khoảng 60 nghìn ha).

Theo ông Sơn, mặc dù phía Bắc sản lượng lúa giảm đáng kể do thiên tai, tuy nhiên do Nam Trung Bộ được mùa, tăng sản lượng lên khoảng 400 nghìn tấn, cộng với sản lượng lúa ĐBSCL vẫn duy trì ở mức khá và việc đẩy mạnh SX lúa thu đông ở vùng này, nên nhiều khả năng tổng sản lượng lúa trên phạm vi cả nước vẫn có thể được cân đối, hi vọng không bị giảm quá sâu. Tuy nhiên, vẫn có thể có một số đơn hàng của DN xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhất là đối với các giống lúa chất lượng cao…

“Việc xuống giống của các loại cây vụ đông ưa ấm năm nay đã bị quá thời vụ do ảnh hưởng mưa lũ, vì vậy để giữ được mức tăng trưởng của ngành trồng trọt, hiện Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo sẽ phải đẩy mạnh SX cây vụ đông ưa lạnh, trong đó đặc biệt là cây khoai tây, rau màu các loại. Hiện Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ xin hỗ trợ về giống vụ đông cho các tỉnh. Một số tỉnh như Thái Bình đã dành 30 tỉ đồng để hỗ trợ giống khoai tây cho vụ đông. Bên cạnh đó, SX ngô muộn làm thức ăn gia súc cũng sẽ được đẩy mạnh”.

(Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Giá lúa ĐBSCL tăng mạnh

Bài viết mới