Thừa nguồn cung
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT), lượng đường tồn kho của Việt Nam từ năm 2017 còn rất lớn, hiện nay còn trên 314.000, thêm vào đó là niên vụ mới đang sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, nguồn cung đường thế giới đang dư thừa. Tính đến ngày 1/3, theo Tổ chức Đường thế giới, sản lượng đường niên vụ 2017 – 2018 là 179,4 triệu tấn, cao hơn 11,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Kho chứa sản phẩm tại nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN.
Đặc biệt, theo ông Toản, vừa có thông tin từ Ấn Độ, sản lượng đường dự tính của nước này đạt mức kỷ lục 29,2 triệu tấn. Thông tin này sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành đường thế giới nói chung và trực tiếp tới ngành đường Việt Nam.
Trong khi đó, giá thành sản xuất đường của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn các nước trong khu vực và thế giới. Hiện giá thành đường của Việt Nam khoảng 50 USD/tấn đường. Trong khi đó, giá thành đường của Braxin 16 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn…
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay cả nước có 41 nhà máy chế biến mía đường, quy mô sản xuất mức nhỏ và vừa là phổ biến. Chỉ có 8/38 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày. Trong khi đó, thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên mới đạt được lợi thế về quy mô.
Thiếu năng lực sản xuất
Giá nguyên liệu mía thường chiếm tới 70-80% giá thành đường, nhưng hiện nay trên 90% diện tích trồng mía ở Việt Nam do nông dân canh tác, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến giá thành mía còn cao, khiến giá đường sản xuất trong nước cao.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sản xuất mía nguyên liệu chưa phát huy được hết tiềm năng, còn hạn chế về mặt giống mía, năng suất thấp (64 tấn/ha) thấp hơn bình quân thế giới là trên 70 tấn/ha.
Do vậy, ông Toản cho rằng, các doanh nghiệp phải tự vực mình dậy, không thể trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước. Thực tế, một số đơn vị như Tập đoàn Thành Thành Công, Mía đường Quảng Ngãi… đã chủ động liên hệ với bà con nông dân, chủ động liên kết với nước ngoài để nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng giống… và đã thành công.”Chữ lượng đường bình quân trên 1ha cũng thấp hơn thế giới (10 CCS so với 12 – 14 CCS). Quy mô chế biến, năng lực của các nhà máy còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Công suất bình quân của cả nước mới chỉ là 3.700 tấn/ngày”, ông Toản nói.
Theo Bộ NN&PTNT, Chính phủ đang lắng nghe ý kiến từ các bên, để giúp các nhà máy vực dậy được ngành mía đường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần tính tới nhu cầu tiêu dùng, người lao động trong chuỗi sản xuất mía đường. Câu chuyện đặt ra là, có nên bảo hộ theo đề nghị của Hiệp hội Mía đường? Thậm chí, đặt ra câu hỏi có nên để một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phá sản?
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, đây là những vấn đề lớn, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần tiếp tục lắng nghe ý kiến, đánh giá sát, báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT để có quyết sách đúng đắn. Ví dụ như hỗ trợ như thế nào vì không thể cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng, không thể đánh thuế sai với cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại, WTO… và đánh giá liệu mía đường có phải ngành lợi thế của Việt Nam?.
Ngoài ra, “Việt Nam đang có 300.000 ha trồng mía, trong thời tới sẽ duy trì như thế nào?. Đây là những câu chuyện rất lớn. Chúng tôi cũng đang lắng nghe ý kiến từ các địa phương, các nhà khoa học…để có hướng đi đúng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Xem bài link gốc tại đây