Cách đây khoảng 1 tháng, giá mì trên địa bàn Bình Định tăng đến 2.500đ-2.600đ/kg (mì 30% độ bột), mức giá mà người trồng mì trên địa bàn không dám nghĩ đến bởi cùng kỳ năm trước, giá mì thời điểm cao nhất chỉ có 1.100đ/kg (mì 30% độ bột). Đến nay, giá mì đã giảm dần dần, hiện đang đứng ở mức 2.100đ-2.200đ/kg, nhưng vẫn còn cao gấp đôi năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm vừa qua. Với giá mì hiện nay, người trồng mì cầm chắc lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.
“Giá mì nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 2,2 triệu đồng/tấn. Mỗi ngày nhà máy thu mua gần 1.000 tấn mì nguyên liệu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và các tỉnh Tây Nguyên. Nguyên nhân giá mì tươi tăng mạnh là do thị trường nhập khẩu tinh bột mì tăng mạnh trong thời gian vừa qua”, ông Lê Văn Nhựt, Phó Giám đốc Cty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ.
Tương tự, Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định đóng trên địa bàn xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) cũng đang thu mua mì nguyên liệu với giá 2,1 – 2,2 triệu đồng/tấn. Do đầu ra đang thuận lợi nên Cty này mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… Theo nhận định của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, vụ thu hoạch mì năm nay ở Bình Định sẽ kết thúc sớm hơn mọi năm, vì nông dân đang tranh thủ thu hoạch để bán được giá cao.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bình Định có 5 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 270 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, tổng diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh này chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu. Dự báo giá mì nguyên liệu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thị trường rất lớn; đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học Ethanol đang đẩy mạnh thu mua mì nguyên liệu.
“Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Bình Định chỉ phát triển diện tích mì ổn định ở mức 10.000 – 12.000 ha; trong đó quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh tập trung 4.400 ha trên địa bàn 21 xã thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn, năng suất bình quân 35-40 tấn/ha. Giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường sử dụng các giống mì cao sản, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng mì”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.