Metro Bến Thành đội 30.000 tỷ: Bộ trưởng nhận trách nhiệm

Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự án metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên đang vướng và Bộ đã có báo cáo.

“Vấn đề lớn nhất là Bộ GTVT, TP.HCM phải xem lại phê duyệt điều chỉnh dự án. TP đã phê duyệt rồi, nhưng ai là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh này”, Bộ trưởng KH-ĐT nói.

Đồng thời phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và TP bao nhiêu cho số vốn 30.000 tỷ tăng thêm của dự án này.

Dự án ban đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo QH.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này, chứ không theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính và trong kế hoạch trung dài hạn hiện chưa đưa dự án này vào do chưa được phê duyệt.

Vậy việc chậm trễ làm đội vốn như vậy trách nhiệm nằm ở đâu?

– TP.HCM có trách nhiệm một chút, Bộ GTVT cũng có trách nhiệm và Bộ KH-ĐT có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên.

Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình. Chúng tôi đã phải rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho dự án này thời gian tới và sẽ trình báo cáo lên Chính phủ.

Tăng 30.000 tỷ không phải nhỏ

Có ý kiến cho rằng phải mất thêm 6 tháng nữa QH mới ra được Nghị quyết tăng vốn cho dự án này?

– Tinh thần là rất khẩn trương, nhưng còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan. Thực tế, hiện đang có việc hiểu chưa đúng quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này.

Văn bản Chính phủ ký trước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh. Tức là cho làm việc đó, thực hiện hành vi đó nhưng không phê duyệt kết quả. Đó là 2 cách hiểu khác nhau. Còn khi làm phải theo quy trình thủ tục.

Do cách hiểu chưa đúng nên TP.HCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi, trong khi Bộ GTVT thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát.

Bộ KH-ĐT cũng có trách nhiệm thiếu đôn đốc, báo cáo. Còn báo cáo công trình trọng điểm hàng năm Bộ KH-ĐT vẫn đưa dự án này vào báo cáo của mình, nhưng thực tế chưa ai phê duyệt.

Dự án này hiện chưa đưa vào trung hạn vì chưa được phê chuẩn, nên chưa thể có cơ chế thoả thuận cấp phát bao nhiêu, vay lại bao nhiêu. Nên TƯ chưa biết bố trí vốn theo số nào và ai là người có thẩm quyền.

TP.HCM đã gặp Bộ KH-ĐT để tìm cách tháo gỡ dự án này?

– Chúng tôi có trao đổi 1-2 lần nhưng chưa bàn được cách tháo gỡ. Hiện Bộ đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này.

Tinh thần là làm nhanh hết cỡ, nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: Ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không. Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ.

Nếu Việt Nam không có vốn đối ứng giải ngân vốn ODA thì CP Nhật khó thuyết phục nhân dân cho VN vay tiếp. Điều này đúng là đáng suy nghĩ. Trên tinh thần giải quyết nhanh, xác định lại yếu tố đặc thù để giải quyết. Chúng ta vẫn còn nguồn dự phòng vốn ngoại, vì thế không lo thiếu nguồn giải ngân.

Tuy nhiên, giữa giải ngân thực tế với lập kế hoạch thường bị vênh nhau, nhiều khi mình đặt kế hoạch thế này, nhưng vào thực tế là có cái khác không kiểm soát được. Muốn làm tốt có khi phụ thuộc vào nhà tài trợ, vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng.

Sắp tới sẽ phải điều chỉnh vì theo thực tế, nắm sát kế hoạch để làm sao sát nhất.

Nguồn vốn thì có, phía Nhật đã chuyển, nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì phải xử lý. Vốn thì Bộ trình, nhưng phê chuẩn dự án thì Bộ GTVT phải làm. Phải có chương trình QH mới bổ sung được.

Ngay trong kỳ họp này, các bộ ngành sẽ ngồi lại đấu nối với nhau, phải nói cho rõ thế nào cho đúng – đủ, nhưng phải làm nhanh và phải có giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, không ảnh hưởng đến tiến độ và nhà tài trợ.

Bài viết mới