Trò đùa khi màu áo ĐTQG thành “con tin”
Mọi chuyện bắt đầu từ Copa America 2016, khi Messi sút trượt quả penalty đầu tiên trong loạt luân lưu cân não ở trận chung kết trước Chile. Đó là lần thứ 3 trong 3 năm liên tiếp, Argentina thất bại ở trận chung kết (trước đó là World Cup 2014 và Copa America 2015). Trước viễn cảnh đen tối ấy của bóng đá xứ Tango, Messi bất ngờ tuyên bố từ giã ĐTQG ở tuổi 29.
“Tôi dừng sự nghiệp tại ĐTQG. Tôi đưa ra quyết định này vì bản thân mình và vì những người muốn thế. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng chẳng được gì” – lời chia tay ngắn gọn của Messi 2 năm trước.
“Vì những người muốn thế”, câu nói này của Messi chẳng khác nào sự hờn dỗi của một đứa trẻ. Một người đứng trên đỉnh vinh quang nhiều năm và từng chịu những áp lực còn lớn hơn thế rất nhiều như El Puga không thể nói lời chia tay theo cách trẻ con như vậy. Messi luôn cố gắng, đúng như anh nói nhưng dường như thành công trong màu áo sọc trắng-xanh của ĐTQG không thể so bì với sự tôn thờ mà người Catalunya dành cho anh.
Messi dỗi, tuyên bố rời ĐTQG nhưng NHM Argentina vẫn dang rộng vòng tay đón anh quay lại. Gần 1 năm sau hàng loạt hình ảnh cảm động của những người yêu mến M10, ngôi sao sáng nhất của Barca đã đổi ý. Thế nhưng cái cách mà El Puga mặc lại chiếc áo của Albiceleste thật đáng trách. Không cần kèn trống, chí ít M10 phải có lời tuyên bố rõ ràng với những ai yêu mến anh. Messi lẳng lặng quay lại tập luyện lúc nào không ai biết.
Thông tin duy nhất về vấn đề này được đăng tải trên tờ La Nacion của Argentina một sáng tháng 7.2017 theo cách mập mờ. Tờ báo thể thao hàng đầu nước này cho biết Messi đã quay lại sau khi “một cầu thủ thân tín ở Barca” khẳng định M10 sẽ trở lại ĐTQG và tham dự nốt vòng loại World Cup 2018.
Messi tái xuất và được giao phó trách nhiệm đưa Argentina đến Nga. Lần trở lại này của El Puga thất vọng chẳng kém cách mà anh đã sút trượt quả penalty trong trận gặp Chile 1 năm trước. Tính đến lượt trận áp chót, Argentina xếp thứ 6 và không thể tự quyết số phận. May sao, ở trận đấu cuối cùng với Ecuador, Messi vụt sáng với cú hat-trick, đưa Albiceleste lọt qua khe cửa hẹp.
“Messi không mắc nợ chúng ta một kỳ World Cup. Ngược lại, bóng đá thế giới đang mắc nợ Messi một chiếc cúp vô địch”, hình ảnh người hùng của El Puga sáng lên qua những lời ca tụng của HLV Sampaoli khi đó.
Messi là người hùng của Argentina khi giật lại tấm vé World Cup 2018 theo kịch bản nghẹt thở nhất. Và khi là người hùng, M10 có thể chi phối mọi thứ.
Khi cái bóng của Messi phủ lên ĐTQG
Người nhận cay đắng nhiều nhất từ sự chi phối ấy là Mauro Icardi. Trước thềm World Cup 2018, chân sút của Inter ghi tới 29 bàn và là người đã chinh chiến cả giai đoạn vòng loại. Nhưng vì lỡ “cuỗm mất nàng thơ” của người đàn anh Maxi Lopez, tiền đạo này đã nhận trái đắng. Lopez là bạn rất thân của Messi và El Puga không thể để “kẻ cướp vợ bạn thân” song hành trên hàng công ĐTQG.
“Việc tôi bị loại không có gì lạ. Tôi không biết mình có lên tuyển đúng thời điểm hay không nữa, bởi sức ép lúc này rất lớn”, Icardi phát biểu mang đậm tính ám chỉ sau khi bị gạch tên.
Chuyện của Icardi là scandal hậu trường lớn nhất của Argentina trước thềm World Cup 2018. Những tưởng, mọi thứ đã được giải quyết êm xuôi nhưng thêm một lần, bóng đen lại ập tới với Messi và cũng từ quả 11m ngang trái. Khi thủ thành Halldorsson của Iceland đổ người chính xác sau cú đá của M10, Argentina thất bại với tư cách đương kim Á quân thế giới. Để rồi, sự chỉ trích và tâm lý giã đám đã ập đến phòng thay đồ của Albiceleste khi họ thua mất mặt 0-3 trước Croatia. Sau trận thua ấy, Sergio Aguero trả lời rất ngắn gọn về Sampaoli rằng: “Ông ta muốn làm gì thì làm”.
“Sampaoli bị lật đổ”, “Messi tạo phe cánh”, “Argentina lộ diện bầy cừu đen”… là những gì truyền thông nhắm vào các “vũ công Tango” sau thất bại khó nuốt trôi trước Croatia. Mọi chuyện tưởng chỉ là tin đồn nhưng đã trở thành sự thật sau cuộc họp khẩn của “Messi và những người bạn” với Giám đốc thể thao AFA – Jorge Burruchaga. Messi nhờ huyền thoại Ricardo Giusti chuyển lời tới Burruchaga rằng, anh và Javier Mascherano muốn được “tư vấn đội hình” trong trận đấu cuối gặp Nigeria. Đây là hành động vô tổ chức và tiếm quyền của Messi, khi vượt quyền HLV trưởng để đòi tự sắp đội hình thi đấu.
Đêm 24.6, người được “bàn đội hình” cùng Messi – Mascherano đăng đàn xoa dịu truyền thông về những bất ổn tại phòng thay đồ của đội tuyển: “Mối quan hệ với HLV trưởng hiện hoàn toàn bình thường. Rõ ràng, khi thấy không thoải mái hay phát hiện điều gì đó, chúng tôi phải bày tỏ với ông. Nếu không, chúng tôi là những kẻ đạo đức giả”. “Chúng tôi” mà Mascherano nhắc tới, có lẽ không trừ Messi…
“Đội bóng sẽ được chỉ đạo chuyên môn bởi Messi và Mascherano. Tôi đã gửi cho Messi tin nhắn, đại ý là cậu ấy có thể tin tưởng. Nhưng Messi chỉ đọc và không trả lời. Messi và Mascherano sẽ là người đưa ra những thay đổi trong trận. Nếu có bàn bạc, họ sẽ làm điều đó với Otamendi” – HLV Sampaoli trả lời vào sáng 25.6.
Vậy, ai là kẻ đạo đức giả, có phải Mascherano không hay là ai nữa? Liệu ở trận đấu tới, ai sẽ chỉ đạo Argentina và Sampaoli có phải HLV bù nhìn không?
Các thành viên của Nigeria cho rằng là sự sỉ nhục nếu coi trận thắng của họ trước Iceland chỉ để giúp Argentina. Với đôi cánh đang bay cao, “Đại bàng xanh” sẵn sàng hạ Argentina để đi tiếp. Điều này là có cơ sở khi cả phong độ và sự chuẩn bị, tinh thần đoàn kết lẫn tính chiến đấu.
Messi đã tuyên bố chừng nào vô địch World Cup, anh mới giải nghệ. Nhưng ở tuổi 31 và sau hàng tá sự kiện đã diễn ra, ai có thể tin được M10 vào lúc này nữa?