Các loại tiền số như Bitcoin đang thu hút số tiền đầu cơ khổng lồ từ các nhà đầu tư tư nhân. Kết hợp với các hệ thống thanh toán số như Alipay của Alibaba, chúng giúp người tiêu dùng mua bán và thanh toán thuận tiện hơn. Cùng với xu thế này, một số ngân hàng của Nhật Bản đang lập kế hoạch tạo ra đồng tiền số của riêng mình, trong đó có Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ.
Theo kế hoạch, đồng tiền MUFG sẽ có một giá trị cố định, với mỗi đơn vị tiền tương đương với 1 yên. Đồng tiền mới được kỳ vọng “khắc phục những vấn đề vốn có của tiền số và tạo ra một loại tiền tệ hữu ích”, ông Nobuyuki Hirano, chủ tịch Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ, nhấn mạnh.
Để đảm bảo tương lai của đồng tiền mới, ông Hirano khẳng định nó sẽ không gặp phải sự biến động lớn về giá như Bitcoin hay thậm chí còn có thể được kiểm soát để ngăn chặn tình trạng rửa tiền. Ngoài ra, ông Hirano cũng kỳ vọng đồng tiền số mới sẽ nhận được sự chào đón của các ngân hàng khác.
Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ không phải cái tên duy nhất muốn tạo ra đồng tiền số cho riêng mình. Tập đoàn Tài chính Mizuho, một tên tuổi lớn sở hữu nhiều ngân hàng địa phương và Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản, cũng có kế hoạch tạo ra đồng tiền số của riêng mình mà họ gọi là J Coin. Thậm chí, họ còn muốn đưa J Coin trở thành đơn vị tiền số duy nhất của Nhật Bản.
Ông Nobuyuki Hirano – chủ tịch Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ.
“Chúng tôi gọi nó là J Coin vì chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ nước Nhật cùng sử dụng nó như một đồng tiền số duy nhất”, Daisuke Yamada, quan chức cấp cao của Tập đoàn Mizuho, chia sẻ.
Dù có những tham vọng khác nhau nhưng không thể phủ nhận hai ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đã quyết tâm tạo ra đồng tiền số mới. Chúng trở nên có cơ sở hơn sau khi Chính phủ Nhật Bản chính thức cấp phép cho các sàn giao dịch tiền số ở Nhật Bản. Nó được đưa ra dựa trên Đạo luật Dịch vụ Thanh toán, cho phép các ngân hàng điều hành các hoạt động kinh doanh tiền số, có hiệu lực hồi tháng 4 vừa qua.
Tiền số cũng đang là xu hướng ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Thụy Điển, Nga hay các nước châu Âu. Ngày càng xuất hiện nhiều công ty thực hiện gọi vốn bằng tiền số (ICO) thay vì niêm yết trên sàn chứng khoán. Những đợt ICO mang lại những khoản vốn khổng lồ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoạt động ICO. Hàn Quốc cũng vừa ban hành một lệnh cấm tương tự. Trong khi đó, ở Nga, chính phủ đang quan tâm tới công nghệ của đồng Ethereum nhằm tạo ra đồng tiền của riêng mình. Tại Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương đã ra mắt đồng tiền số tên gọi e-krona.
Trở lại với câu chuyện tiền số ở Nhật Bản, vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua để tiền số trở nên phổ dụng. Một trong số đó là liệu các nhà phát triển có thuyết phục được người dùng và các nhà bán lẻ quay lưng với tiền mặt và thẻ tín dụng để ủng hộ tiền số. Họ cũng cần sự hợp tác các nhà sản xuất thiết bị để tích hợp với loại tiền tệ mới.
Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về công nghệ thanh toán điện tử. Khoảng 16 năm trước, hệ thống thanh toán Edy xuất hiện, cho phép người dùng trả tiền bằng những chiếc “thẻ thông minh”. Cùng thời điểm, JR East, một trong những công ty đường sắt lớn nhất của Nhật, cũng ra mắt Suica, loại thẻ thanh toán chuyên dụng cho dịch vụ đường sắt, bao gồm tiền vé hoặc mua sắm ở các hệ thống bán lẻ nằm tại các nhà ga.
Tuy nhiên, Nhật Bản bị thế giới bỏ lại phía sau trong lĩnh vực này. Apple Pay và Android Pay xuất hiện và phổ dụng ở Nhật vào cuối năm ngoái. Alipay của Trung Quốc cũng đã du nhập vào quốc gia này. Alibaba tiến thêm một bước là hợp tác với các ngân hàng Nhật Bản để người tiêu dùng có thể sử dụng Alipay để thanh toán.
Ngoài những tiện ích, sự nổi lên của tiền số và các phương thức thanh toán điện tử cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới nước Nhật, quốc gia sử dụng nhiều tiền mặt và sở hữu những thiết bị tinh vi hỗ trợ quá trình này. Máy ATM ở Nhật Bản được thiết kế để xử lý cả tiền xu. Tuy nhiên, nếu tiền số và thanh toán điện tử bùng nổ, những cố máy này có thể trở thành đồ bỏ đi.
Đây sẽ là sự thay đổi mạnh mẽ với nền văn hóa thương mại Nhật Bản cũng như tác động tới số lượng lớn công ty hoạt động trong lĩnh vực đó. Nếu muốn tồn tại, những công ty này cần hợp tác với tất cả các bên, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, để có thể tạo ra phương thức thanh toán mới phù hợp và hữu dụng.