LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung – Khối Khách hàng cá nhân Hội sở PVcomBank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
————–
Sinh ra trong thời bình, lớn lên được nghe qua những câu chuyện của cha, nên tôi sớm định hướng được cái nghề từ bé, mà làm Ngân hàng của quê tôi oai lắm chứ, tự hào lắm chứ. Nhưng dạo gần đây, sáng nào mở mạng ra cũng tràn ngập xét xử các đại án ngân hàng, tôi mới ngấm lại những lời dạy bảo của cha tôi: Làm gì thì làm con ạ, nhưng phải có đạo đức và cái tâm với nghề thì mới tồn tại lâu được, nhất là Ngân hàng là nơi kinh doanh rủi ro.
Tôi lại nhớ cuộc gặp gần đây nhất, cách đây mấy năm mà tôi được đi cùng cha tôi, được gặp gỡ các bác, các chú – những cán bộ chủ chốt của ngành ngân hàng trong thời chiến, được nghe những câu chuyện thật cảm động.
Tôi được nghe kể rằng:
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các “chiến sỹ ngân hàng” B68 đã có mặt từ khu 4, khu 5 vào tận chiến trường miền Đông Nam bộ, sang cả nước bạn Lào, Campuchia…
Nhiệm vụ xuyên suốt trong thời kỳ này của cán bộ ngân hàng là tập trung phân phối nguồn tiền chi viện cho chiến trường từ miền Bắc, một phần từ nguồn viện trợ của các nước anh em, bè bạn quốc tế… Số tiền này chủ yếu là đô la. Sau đó, cán bộ ngân hàng B68 phải xây dựng đường dây chuyển đổi từ những đô la sang đồng tiền chế độ cũ để phục vụ việc mua lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội chủ lực…
Điều kiện lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn, kho quỹ sơ sài, công tác kho quỹ, cất giữ tiền bạc trong những năm kháng chiến công phu, phức tạp và khó khăn. Những đồng tiền được đưa vào chiến trường đã thấm đẫm bao công sức, xương máu của đồng đội.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm, các cán bộ ngân hàng vừa tăng gia sản xuất tự túc lương thực, vừa làm công tác tín dụng đối với đồng bào vùng giải phóng. Bữa ăn hàng ngày của anh chị em chủ yếu là củ mì (sắn), bắp, bí đỏ hay măng rừng với muối. Ai bệnh nặng lắm mới được ăn cơm hay cháo… Những lọ ký ninh chia nhau để cắt cơn sốt rét rừng. Những miếng lương khô, ngọn rau xanh, chén cháo loãng… chia nhau cho đỡ đói ngay giữa chiến trường.
Giữa thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 450 cán bộ ngành Ngân hàng đã hăng hái rời nhiệm sở ra chiến trường chi viện cho miền Nam. Có những người hy sinh, có những người trở về tiếp tục cống hiến cho ngành Ngân hàng, cho đất nước. Nhưng nguyện vọng của họ thật bình dị: “Là mong NHNN tạo điều kiện để hàng năm được tổ chức gặp mặt, ôn lại những kỹ niệm một thời hào hùng của cán bộ ngành; đồng thời tạo điều kiện kết nối liên lạc để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh trong chiến trường miền Nam” – các bác các chú đã trả lời như vậy khi Thống đốc NHNN lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi về nguyện vọng của những cán bộ B68.
Bất ngờ khi nghe câu trả lời, và tôi cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng các bác các chú, là những con người xây dựng nền móng, cơ sở cho sự phát triển ngành Ngân hàng hôm nay. Ngành ngân hàng giờ đây đang phát triển rực rỡ với lực lượng lao động tới cả trăm ngàn người. Nhưng thử hỏi trong số ấy mấy ai đã biết được công việc của những người cha anh đặt nền móng cho nghề đi trước?
Tôi được biết, trong đoàn B68 năm xưa đến nay chỉ 180 cán bộ còn sống, trong đó ở Nam Bộ khoảng 68 người, miền Trung Tây Nguyên khoảng 46 người và miền Bắc khoảng 66 người. Đến nay, các bác, các chú tuổi đều đã ngoài 70 – ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và chỉ nghỉ ngơi để cháu con chăm sóc, nhưng vẫn rất mạnh mẽ trong mỗi chuyến hành trình để tìm lại đồng đội khi xưa.
Các chặng đường đi vốn đã khó khăn với người có tuổi, lại càng trở nên gian khó hơn bởi việc tìm hài cốt liệt sĩ và các cán bộ không rõ thông tin, mất tích chẳng dễ dàng khi nguồn tư liệu lưu trữ của NHNN khá sơ sài. Để có thêm manh mối, ban liên lạc phải sang Cục Lưu trữ nhà nước rồi lặn lội đến các NHNN tỉnh nơi có các đồng chí công tác hoặc hy sinh, hay thông tin từ đồng đội và những cán bộ chỉ huy năm xưa.
Cuộc tìm kiếm nhiều khi tưởng chừng vô vọng ấy đôi khi lại cho kết quả bất ngờ – họ vẫn tìm thấy nhau. Nhìn vào những mái tóc đã sang màu sương muối của các chú, các bác trong Ban liên lạc B68 ấy, tôi không thể tưởng tượng được những gì mà họ đã làm trong 7 năm qua như tìm được 27 hài cốt liệt sĩ, xác minh 35 trường hợp không rõ tin tức, đặc biệt là hỗ trợ những thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ có một đời sống tốt hơn khi trong tay các bác, các chú chỉ có tấm lòng và tuổi già sức khoẻ đã rệu rã.
Hơn 35 năm sau ngày độc lập, những vết thương trên mặt đất đã lành, song những vết thương và thân phận sau chiến tranh của những người con, người vợ của đồng đội, vẫn cần những sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Tiếng thúc giục từ trái tim ấy đã giúp những người đồng đội vượt lên trên tuổi già, sức yếu bươn chải trên con đường Trường Sơn năm xưa để xoa dịu những nỗi đau chiến tranh và giúp những người còn sống, những người con thương binh, liệt sĩ có niềm tin để đi tiếp cuộc đời của mình. Đôi khi để làm được điều đó, các bác, các chú phải đi lại đến 5, 7 lần ở một ngân hàng nào đó chỉ để xin 5 triệu đồng tài trợ cho những chuyến đi tiếp theo, hay xin việc cho một con em thương binh, liệt sĩ nào đó. Và trong những lần lặn lội đi xin ấy, không ít lần những người đồng đội phải rơi lệ. Song sự quyết tâm của những người đồng đội, của những đồng nghiệp ngân hàng năm xưa chắc chắn sẽ làm cho những giọt nước mắt từ chiến tranh không còn rơi và người ta chỉ có thể khóc vì niềm hạnh phúc.
Từ sự ngưỡng mộ ấy với thế hệ cha anh đi trước, trong công việc hôm nay ở ngân hàng dù trong công việc còn nhiều khó khăn nhưng tôi thấy quên hết mệt mỏi và cảm thấy yêu nghề hơn. Oai lắm chứ, tự hào lắm chứ nghề ngân hàng của chúng tôi.