Có hộ nông dân trồng tiêu tại Bình Phước tính toán trong đau xót: Vụ tiêu 2017-2018, gia đình thu hoạch được khoảng trên 1 tấn, giảm 3-4 lần so với năm trước. Công thuê hái tiêu là 150.000 đồng/ngày. Do tiêu mất mùa nên mỗi ngày chỉ hái được 5-6kg. Sau khi trừ mọi chi phí, kết quả là người nông dân “trắng tay”, không có lấy một đồng lãi.
Hồ tiêu vụ này mất mùa nặng là bởi thời tiết biến đổi bất thường. Những diễn biến cực đoan của thời tiết trong năm vừa qua như hạn hán, mưa kéo dài… đã gây tác động không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của hồ tiêu. Mặc dù bà con nông dân phải ra sức chăm sóc, đổ tiền nhờ công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến tư vấn hỗ trợ kỹ thuật giúp cây tiêu ra hoa, kết trái, song kết quả vẫn không được như mong đợi.
Ngoài mất mùa, giá tiêu giảm là điều khiến các hộ trồng tiêu thêm lao đao. Hiện tại, giá tiêu chỉ còn 60.000 – 65.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với vụ trước. Ngoài yếu tố chất lượng, nguyên nhân mấu chốt khiến giá tiêu “lao đốc” là bởi trên thị trường cung đã vượt cầu.
Trên thực tế, trong những năm qua, khi hồ tiêu liên tục được giá, việc ồ ạt phá bỏ các cây trồng khác để trồng tiêu đã diễn ra tại không ít địa phương. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước các cấp từ Bộ NN&PTNT đến chính quyền địa phương từng nhiều lần đưa ra khuyến cáo, vạch rõ quy hoạch diện tích tiêu, song vì ham lợi nhuận, người dân vẫn làm ngơ, phát triển diện tích trồng tự phát.
Dễ thấy, “mất mùa, mất giá” chính là cái giá đắt mà ngành hồ tiêu đang phải trả cho những sai làm trong phát triển rầm rộ trước đó. Đáng chú ý hơn, hệ lụy này ngành hồ tiêu không chỉ phải gánh trong năm nay mà có khả năng kéo dài cả những năm sau nữa. Bởi, khi tiêu mất mùa, mất giá, bà con nông dân không có chi phí để đầu tư thích đáng cho vụ sau, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và sản lượng.
Câu chuyện trả giá cho sai lầm của ngành hồ tiêu chính là bài học để nhiều ngành hàng nông sản khác soi vào, tránh đi lại “vết xe đổ”, thông qua động thái quyết liệt, làm tốt hơn công tác quy hoạch diện tích cũng như khâu tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân…