Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới đây đã công bố báo cáo cho biết du lịch trực tuyến đang phát triển mạnh và có thể tạo ra cơ hội mới giúp ngành du lịch có bước phát triển đột phá.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là đến thời điểm này phần lớn du khách quốc tế ra vào Việt Nam (VN) đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí ngay cả khách du lịch nội địa cũng sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài thay vì VN.
Luôn là kẻ… đến sau
Hãng máy bay và du lịch trực tuyến gotadi.com nhận định thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở VN đang tăng nhanh, chiếm 30%-40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn. Cá biệt tỉ lệ này có thể lên đến 80%-90% ở một số khách sạn. Song các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang thống lĩnh thị trường này ở VN.
“Hai trang mạng bán phòng trực tuyến là Agoda và Booking dẫn đầu, chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến. Họ áp đảo cả mảng gồm khách du lịch VN đi trong nước và nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến VN” – Gotadi cho hay.
Vậy vì sao DN Việt thua trong sân chơi này? Trả lời câu hỏi trên, ông Ngô Minh Đức, Ban điều hành Hội đồng Tư vấn du lịch VN, cho rằng kinh doanh du lịch trực tuyến rất khó, cần hàm lượng công nghệ cao. Các công ty ngoại hơn DN Việt về kinh nghiệm và đi trước VN khoảng 20 năm. Hơn nữa, họ có nhiều tiền, hoạt động trên toàn cầu nên tạo được danh tiếng và uy tín.
“Đặc biệt là họ không phải nộp thuế cho Nhà nước. Đơn cử, người dùng khi đặt phòng khách sạn giá 1 triệu đồng trên hai trang mạng bán phòng trực tuyến là Agoda và Booking thì khách sạn thu 700.000 đồng, 300.000 đồng còn lại họ được hưởng. Số tiền này được chuyển thẳng về công ty ở nước ngoài và họ không phải đóng thuế gì cho VN” – ông Đức dẫn chứng.
Phân tích thêm về vấn đề này, đại diện Công ty Du lịch Vietravel đánh giá các đối tác khách sạn trong nước muốn hợp tác với đối tác nước ngoài để tăng độ nhận diện thương hiệu. Bởi DN nước ngoài có lợi thế về thương hiệu rất tốt và có uy tín lâu năm trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, DN ngoại có tiềm lực tài chính dồi dào nên có thể chi trả trước để giữ phòng tại khách sạn với vị trí đẹp vào các mùa cao điểm, tạo ra nguồn cung ứng sản phẩm tốt cho khách hàng.
Du lịch trực tuyến đang là miếng bánh lớn. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu, đăng ký du lịch trực tuyến tại một công ty lữ hành. ảnh: TÚ UYÊN
Lo bị chết yểu
Đại diện Vietravel nhấn mạnh: “Thị phần du lịch trực tuyến đang nghiêng về các công ty du lịch nước ngoài vì họ có chiến lược marketing dày dạn kinh nghiệm trong khi VN bị bất lợi về khoản này. Hơn nữa, DN nước ngoài nhạy bén về sản phẩm và nắm bắt được xu hướng liên tục thay đổi của người dùng. DN Việt đa dạng nguồn sản phẩm nội tại nhưng lại chưa đầu tư đủ mạnh về công nghệ, chưa đồng nhất kênh truyền thông”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng nhận định thông qua những trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài, các khách sạn, resort được chấm điểm, chấm sao… Cách làm này giúp đối tác nước ngoài thường xuyên tương tác với đối tác là các khách sạn và với khách hàng, từ đó có thể đáp ứng tối ưu nhu cầu của du khách. Trong khi DN Việt lại chưa làm được điều này.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng vào loại cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2016 VN chỉ đứng thứ năm trong các nước ASEAN về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt, bằng 1/3 so với Thái Lan.
Nhiều ý kiến khác cũng nhìn nhận phần lớn các DN Việt đang làm website du lịch trực tuyến theo những gì mình muốn, thay vì tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dùng, tối ưu thông tin và sự thân thiện nhất. Thậm chí có những website chẳng khác nào đánh đố khách hàng hoặc có quá nhiều nội dung thông tin không cần thiết.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khách sạn Hiệp hội Du lịch Nha Trang, thừa nhận các đại lý du lịch trực tuyến ngoại có chính sách hoa hồng khá cao, trung bình 20%. Đó là nhờ họ đã tạo được các gói giá cạnh tranh và hấp dẫn cho khách đặt phòng. “Chính vì vậy, hầu hết các khách sạn, resort đều tham gia cộng tác với các dịch vụ đặt phòng trực tuyến ngoại” – ông Sơn nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, một số công ty lữ hành lo ngại nếu các khách sạn, dịch vụ không ủng hộ dịch vụ du lịch trực tuyến Việt thì họ sẽ… chết yểu. Và khi không còn DN Việt cạnh tranh thì đối thủ ngoại sẽ làm mưa làm gió trên sân nhà.
Phải đánh kiểu “du kích”
Để DN nội có thể đặt chân vào miếng bánh thị phần du lịch trực tuyến béo bở, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng “ai nắm được về giá người đó sẽ giành chiến thắng” bởi người tiêu dùng rất quan tâm đến giá cả. Đây là thách thức cho các đơn vị muốn khai thác thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khách sạn Hiệp hội Du lịch Nha Trang, khuyến nghị DN Việt cần nâng cao năng lực tài chính, đầu tư vào công nghệ chuyên sâu của ngành du lịch trực tuyến, quảng cáo online; thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, khách sạn, resort.
Đặc biệt, cần hợp tác với các công ty kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng… để phát triển công nghệ thanh toán, nhất là hình thức thanh toán online bằng thẻ tín dụng.
Tán đồng quan điểm này, nhiều ý kiến gợi ý DN Việt không thể đối đầu với các công ty nước ngoài có tài chính hùng mạnh. Do vậy phải chọn phương án “đánh du kích”, nhất là phải có sự liên kết giữa các DN nội. Qua đó tận dụng lợi thế am hiểu thị trường để tạo ra những sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh, thu hút người Việt.
Miếng bánh 9 tỉ USD
Theo nhận định của hãng bán vé máy bay và du lịch trực tuyến gotadi.com, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14% và đạt khoảng 565 tỉ USD. Du lịch trực tuyến đang tăng trưởng mạnh ở VN. Theo đó riêng trong năm ngoái, Agoda thu được hơn 4.000 tỉ đồng tại các khách sạn ở VN.
Còn trong một báo cáo của Google có tên Đón du khách từ cái nhấp chuột, cho thấy VN đang là “mỏ vàng” cho du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, hiện ngành du lịch trực tuyến tại VN đang do Agoda, booking.com, Traveloka… là những DN nước ngoài chiếm lĩnh trọn miếng bánh trị giá hàng ngàn tỉ đồng từ khoản 15%-20% hoa hồng dịch vụ đặt phòng trực tuyến.
Google và Temasek, cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore, cũng đưa ra dự đoán thị trường du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ đạt doanh thu 90 tỉ USD vào năm 2020, trong đó VN chiếm khoảng 10%, tương đương 9 tỉ USD. Đáng chú ý, 85% dòng tiền sẽ được chảy vào dịch vụ đặt phòng khách sạn và vé máy bay.