Mục tiêu do chính phủ Malaysia tự đặt ra, bao gồm việc đạt tổng thu nhập quốc dân (GDP) trên đầu người ít nhất là 15.000 USD. Dữ liệu mới nhất cho thấy con số sẽ là 42.777 ringgit (10.233 USD) vào năm 2018 và dự báo nước này chỉ cách mục tiêu khoảng 2 năm.
Malaysia xác định thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất và với sự can thiệp của nhà nước, mức đóng góp của ngành cho GDP cả nước sẽ tăng lên 20,8% vào năm 2020 (từ mức 12,8% năm 2015).
Khu vực Thương mại Tự do số (DFTZ)
Ngày 3/11, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát động một dự án thương mại điện tử với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Dự án có tên là Khu vực Thương mại Tự do số (DFTZ), kết hợp cả các không gian ảo và thực. DFTZ gắn liền với Hệ thống Thương mại điện tử của chủ tịch Alibaba Jack Ma, một nỗ lực giảm bớt rào cản và đơn giản hóa quy định, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua bán hàng trực tuyến.
Để bắt đầu, Malaysia cho biết giá trị tối thiểu của hàng nhập khẩu phải chịu thuế tại DFTZ sẽ được nâng từ 500 lên 800 ringgit vào năm tới, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Ma đang đảm nhiệm vai trò tư vấn miễn phí cho Malaysia để giúp nước này đạt được mục tiêu trở thành trung tâm thương mại điện tử của Đông Nam Á.
DFTZ bao gồm một trung tâm kho bãi và hậu cần tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur thuộc quyền sử dụng của Lazada, một hãng mua sắm trực tuyến thuộc Alibaba. Trong tương lai, kho sẽ được mở rộng và được phát triển bởi công ty Malaysia Airports và Cainiao Smart Logistics Network, một đơn vị Alibaba hoàn toàn sở hữu. Chính phủ Malaysia dành 83,5 triệu ringgit (gần 20 triệu USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng ở DFTZ.
Khi hoàn thành năm 2020, cơ sở 24.000 m2 dự kiến sẽ làm giảm thời gian thông quan của một nửa xuống còn 3 tiếng và tăng tốc các thủ tục đầu cuối hàng hóa từ 4 tiếng xuống còn 90 phút. Malaysia dự tính DFTZ sẽ tạo ra 60.000 việc làm và xử lý 65 tỷ USD hàng hoá vào năm 2025.
BMI Research, một đơn vị của Fitch Ratings, cho biết Malaysia là thị trường thương mại điện tử “hấp dẫn nhất” trong số các nền kinh tế đang nổi mà hãng này theo dõi. BMI lưu ý rằng 36% dân số nước này sẽ có độ tuổi từ 20 đến 39 vào năm 2021. Các nghiên cứu cho thấy nhóm tuổi này có nhiều khả năng mua sắm trực tuyến hơn mua tại các cửa hàng.
Về phía Alibaba, DFTZ cung cấp một cửa ngõ để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường Đông Nam Á và có thể là điểm trung chuyển cho hàng Trung Quốc.
Đồng minh an ninh mạng
Bên cạnh DFTZ, Trung Quốc và Malaysia cũng hợp tác trong mảng thanh toán điện tử và an ninh mạng.
Ant Financial Services, một công ty con của Alibaba, đã ký kết thỏa thuận với 2 ngân hàng Malaysia là Malayan Banking và CIMB để phát triển dịch vụ thanh toán di động Alipay. 2 ngân hàng này sẽ nhận nhiệm vụ thanh toán cho các giao dịch tiến hành với hệ thống tiền điện tử của Alibaba.
Trong khi đó, cơ quan nhà nước CyberSecurity Malaysia gần đây cũng thành lập một ủy ban chung với Huawei Technologies để tăng cường phòng thủ trực tuyến của nước này. Ngoài ra, Huawei cũng làm việc với một cơ quan chính phủ khác để phát triển một hệ thống phân tích video và khuôn mặt tiên tiến để các văn phòng an ninh Malaysia sử dụng.