Mai Linh Bike ra mắt: Cuộc chơi này sẽ “đốt” tiền đến chết, Mai Linh đã sẵn sàng chưa?

Từ vị thế của những người dẫn đầu trong ngành vận tải, cụ thể là chở khách, giờ đây những ông hoàng một thời như Mai Linh hay VinaSun đang chật vật chuyển đổi mô hình, thay đổi cách thức hoạt động với hy vọng đủ sức tồn tại trong thị trường này.

Tham vọng giành lại thị phần, quyết tâm lật đổ là có thật. Tuy nhiên để làm được điều này, tham vọng hay sự cố gắng là chưa đủ. Những công ty này cần phải thực sự hiểu bản chất mô hình những công ty như Uber, Grab để có thể đấu lại được họ.

Công ty công nghệ, không phải công ty vận tải

Thông thường với các công ty vận tải, người vận hành luôn là người nắm quyền quyết định về hướng đi và sự phát triển của công ty. Họ thường là những người làm quy trình, tính toán số liệu để làm sao chi phí luôn tối ưu cùng sự phát triển.

Trong khi đó, ở các công ty công nghệ, người nắm quyền định đoạn số phận sản phẩm là các kỹ sư. Thay vì nghĩ ra các quy trình thì họ sẽ nghĩ ra những giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán của thị trường. Ví dụ chế độ surge pricing (tăng giá) X2, X3 mà Grab và Uber đang áp dụng là nguyên cả một công thức kết hợp cùng AI, Machine Learning để đảm bảo cân bằng được cung và cầu (Tài xế và Khách hàng) trong một khu vực, một khoảng thời gian.

Tất cả chỉ là những thao tác tự động, không có bàn tay con người. Liệu rằng một công ty có truyền thống và vận hành lâu năm có chấp nhận để những “tay mơ” trong mắt họ – những kỹ sư công nghệ lên nắm quyền hay không?

Cuộc chơi đốt tiền đến “chết”

Mai Linh có thể dùng tiền để thuê được đội ngũ kỹ sư, nhân sự đủ tốt để làm ra một ứng dụng gọi xe tốt. Nhưng thứ tiếp theo mà Mai Linh sẽ đối mặt không chỉ có tiền, mà là rất nhiều tiền. Ngay bây giờ, nếu Uber hay Grab dừng việc giảm giá, tiền hỗ trợ cho tài xế thì họ có thể có lãi ngay lập tức. Cả Uber lẫn Grab đều hiểu điều này, nhưng mục tiêu bây giờ của cả 2 công này không phải là lãi, mà là chiếm lĩnh thị trường.

Một mặt, Uber và Grab liên tục tung ra khuyến mãi để chiếm lĩnh thị trường, khiến người dùng thay đổi thói quen và sử dụng 2 ứng dụng này với tần suất lớn. Mặt khác họ liên tục tăng cường hỗ trợ cho tài xế để giữ chân các lao động tự do này không chuyển sang làm cho đối thủ.

Mai Linh khi tham gia vào thị trường này cũng phải tìm cách phát triển cả phía khách hàng và tài xế để có thể phát triển được cả 2 yếu tố trên. Nhưng Mai Linh phải nhớ rằng, Uber hiện tại đang định giá lên đến 68 tỷ đô, lần gần đây nhất vào tháng 7 công ty này được rót vốn tận 2,5 tỷ đô. Trong khi đó, Grab “hạt giống” của Đông Nam Á trong nền kinh tế chia sẻ cũng mới nhận được vốn 2 tỷ đô để vận hành ở 6 nước Đông Nam Á.

Mai Linh liệu có đủ vốn và tiền để đấu lại 2 gã khổng lồ này không? Chưa kể đến những công ty tỷ đô khác cũng đang bắt đầu nhảy vào thị trường Việt Nam như Go-jek, kẻ hủy diệt Uber ở Indonesia.

Thay đổi về tầm nhìn, sứ mệnh

Hiện nay những startup như AirBnb, Uber hay Grab không chỉ đơn thuần là một đơn vị kinh doanh nữa mà họ còn mang trong mình những sứ mệnh cao cả hơn thế. Đó là sứ mệnh thay đổi thế giới. Họ đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành vận chuyển. Không chỉ thế, họ còn phát triển nó đến tầm cao hơn nữa, như chia sẻ chuyến đi, tối ưu hóa và tiết kiệm nguồn lực xã hội (GrabShare, Uber pool), giao đồ ăn ( UberEats), Vận chuyển hàng hóa (GrabExpress, UberDeliver v..v..). Cùng với đó là thúc đẩy các công cụ như thanh toán điện tử (Grabpay, Upay v..v..).

10 năm, 20 năm sau, cả 2 công ty này có thể sẽ không chỉ được biết đến như một công ty chia sẻ chuyến đi mà là một hệ sinh thái On-demand (dựa theo nhu cầu) với đủ mọi loại hình dịch vụ khác nhau. Thị trường mà Mai Linh nhắm tới chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện của các công ty như Grab hay Uber. Khi họ tạo ra được một hệ sinh thái mạnh mẽ giống như cách mà Google hay Apple đã làm thì Mai Linh mãi mãi chỉ đuổi theo hình bóng của họ mà thôi.

Thay đổi về nhân sự

Nếu như tìm hiểu về tuyển dụng của các công ty như AirBnB, Uber hay Grab ta có thể thấy họ thường yêu cầu nhân sự phải biết các công cụ tính toán dữ liệu như SQL. Bởi các công ty này ngoài việc là công ty công nghệ ra thì họ còn có cái tên khác là các “công ty dữ liệu”. Họ có đủ số liệu để phân tích về hành vi của cả khách hàng lẫn lái xe, thông qua đó sẽ có các chiến lược kinh doanh phù hợp và tiết kiệm nhất có thể.

Ví như công ty AirBnB hiện đang yêu cầu toàn bộ nhân viên phải biết về SQL, thậm chí level cao hơn là ngôn ngữ lập trình Python. Bởi nếu kết hợp các yếu tố công nghệ này vào kinh doanh nó sẽ tạo ra những đột phá lớn. Không chỉ như thế, nhân viên các công ty này phải rất hiểu về digital marketing, đây cũng là điểm yếu của các công ty lâu năm và “truyền thống” như Mai Linh.

Thậm chí các vị trí vận hành cao cấp của các công ty này cũng đang có trình độ hiểu biết về các công cụ như AI hay Machine Learning rất mạnh để giảm được các chi phí không đáng có của việc vận hành bằng tay người. Hiện nay những nhân sự Việt Nam có thể làm được điều này là vô cùng hiếm. Thế nên để có được dàn nhân sự tốt cho Mai Linh không phải là điều dễ dàng gì.

Giá như…

Còn rất nhiều nữa những vật cản đường của Mai Linh trên con đường giành lại thị phần vận chuyển hành khách. Trên thế giới, rất hiếm trường hợp các công ty đủ lớn rồi có thể nhanh chóng thay đổi và đuổi kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Đa phần kể cả chính các công ty công nghệ quy mô như Nokia hay Yahoo cũng bị khuất phục bởi thời gian.

Cánh cửa tuy hẹp, nhưng không phải là Mai Linh không có cơ hội để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên nó cần rất nhiều sự nỗ lực, thay đổi cách vận hành, thay đổi về nhân sự thậm chí cả tầm nhìn và sứ mệnh của mình.

Với tôi, giá mà Mai Linh có những tài xế biết cúi đầu chào khách. Có những chiếc xe thơm tho và có những trải nghiệm đáng giá. Tôi quả quyết rằng hàng ngàn người khác sẽ từ bỏ Uber và Grab để đi cùng trời cuối đất với Mai Linh.

Cùng là “xe ôm công nghệ”, tại sao Uber và Grab áp dụng mức giá linh hoạt, còn Mai Linh thì không?

Bài viết mới