Với các quốc gia có hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, về cơ bản giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách, từ đó phần nào cải thiện thâm hụt ngân sách cũng như cán cân thương mại. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí cũng được lợi lớn với kết quả kinh doanh phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh trở lại cũng có thể trở thành cơn “ác mộng” cho các nền kinh tế khác và các doanh nghiệp còn lại. Do dầu là nhiên liệu chính trong nhiều hoạt động sản xuất nên khi giá nhiên liệu đầu vào này tăng sẽ tác động đến giá cả đầu ra của các loại hàng hóa khác. Hệ quả là gây ra tình trạng lạm phát cao và làm hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế thế giới từng trải nghiệm điều tương tự vào đầu những năm 1970, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể ở đây là nước Mỹ, khiến thị trường dầu mỏ khủng hoảng và giá tăng lên gấp 4 lần, gây ra tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Sự kiện lớn này đã dẫn đến hậu quả là thị trường chứng khoán hoạt động èo uột suốt một thập niên.
Trong giai đoạn 2007 – 2008, cùng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc giá dầu tăng mạnh từ mức quanh 50 USD/thùng lên 150 USD/thùng cũng tác động tiêu cực đến các thị trường đầu tư như chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán toàn cầu liên tiếp giảm mạnh và duy trì ở mức thấp suốt thời gian dài, sau đó mới dần hồi phục trước động thái nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như việc giá dầu rớt mạnh.
Vì vậy, dấu hiệu giá dầu hồi phục mạnh trong thời gian qua là sự kiện lớn đáng chú ý đối với các nhà đầu tư. Khi giá dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, khiến việc đầu tư vào cổ phiếu các công ty trở nên kém hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, dòng tiền từ thị trường chứng khoán có thể chảy sang thị trường dầu mỏ để tìm kiếm lợi nhuận…
Ngoài ra, nếu lạm phát bắt đầu tăng trở lại thì để ổn định vĩ mô, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và tình trạng lãi suất cao rõ ràng không tốt cho thị trường chứng khoán vì khiến chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng lên, các dự án đầu tư mới cũng tốn kém hơn và do đó các doanh nghiệp tạm thời lựa chọn không mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực khi lãi suất đi lên, những khoản vay dễ trở thành nợ xấu hơn và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các ngân hàng và hệ quả là dòng vốn chảy vào nền kinh tế có thể bị tắc.
Không chỉ thị trường dầu, lạm phát cao cũng có thể khiến các thị trường tài sản như vàng được lợi và thu hút dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng và thị trường chứng khoán. Vì vậy mà thị trường vàng và thị trường dầu mỏ thường có diễn biến khá tương đồng, do hầu hết các nhà đầu tư đều có chung suy nghĩ giá dầu tăng sẽ kéo lạm phát lên cao và trong môi trường lạm phát cao nắm giữ vàng là có lợi nhất. Giá vàng thế giới hôm 17/11 cũng tăng mạnh hơn 16 USD/ounce và hiện đang dao động ngay dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce.
Triển vọng của giá dầu trong dài hạn sắp tới là một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế, do đó các nhà đầu tư cần lưu tâm và quan sát kỹ là điều cần thiết.