Lý do không hợp tác được với Samsung, Honda, Toyota… của nhiều doanh nghiệp Việt: Vì thiếu tự tin, tự tôn dân tộc và tinh thần làm chủ?

30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua (năm 1987) tình hình kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 161 tỷ USD.

FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập… Đáng chú ý, khu vực FDI chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu.

Dù vậy, mọi vấn đề đều có tính hai mặt, FDI cũng bộc lộ nhiều hạn chế mà nhược điểm lớn nhất của nó là h tác động lan toả còn hạn chế, như GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định.

Dẫn chứng cụ thể, ông Mại cho biết dù Việt Nam trong những năm gần đây đạt vị thứ cao về xuất khẩu, đặc biệt ở các mặt hàng như hồ tiêu, cà phê, dệt may, da giày hay đã trở thành căn cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng nhưng nhưng chỉ có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ này kém xa Thái Lan là 30% hay Malaysia là 46%.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Việt nói chung đa phần nằm ở đầu vào của chuỗi cung ứng, nơi có giá trị gia tăng thấp, còn đầu cuối với giá trị tăng cao là của các doanh nghiệp FDI. Điều này thể hiện rất rõ ở những ngành như may mặc, da giày.

Công nghệ cũng là một vấn đề. Bởi lẽ, liên tiếp trong những năm gần đây, câu chuyện về tỷ lệ nội địa hoá rất thấp các sản phẩm như ô tô liên tiếp được nhắc đến.

Không đổ thừa cho nước ngoài, ông Mại nhận xét trách nhiệm đầu tiên thuộc về các doanh nghiệp Việt. Ông cho biết qua những lần tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, họ nhận định muốn thành công phải có hai yếu tố gồm sự tự tin và chủ động trong tìm kiếm đối tác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt lại hay tự ti, thụ động.

Trên thực tế thì, những doanh nghiệp như Samsung hay Toyota giờ đây vẫn than thở, họ vẫn phải tự mình đi tìm những nhà cung ứng để hợp tác.

Số liệu của Samsung Việt Nam cho biết, tính từ thời điểm họ chính thức xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên (năm 2008) đến nay mới chỉ có 25 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1. Con số này được dự kiến sẽ là 29 doanh nghiệp vào cuối năm 2017 và tăng lên thành 50 ở thời điểm 2020. Số lượng này nếu so sánh trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện có là không đáng kể.

Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Bang Huyn Woo bày tỏ: “Chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi. Hy vọng họ có thể vượt qua các điều kiện về vốn, quy mô để đạt được các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung”, ông nói.

“Người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được”

Vĩnh Phúc là một tỉnh điển hình của việc thu hút vốn FDI. Sau 20 năm, đến năm 2016, tỉnh này đã từ thu ngân sách 100 tỷ đồng lên thành 33.000 tỷ đồng, tăng 330 lần, thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước.

“Vĩnh Phúc có được ngày hôm nay là nhờ đầu tư nước ngoài”, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Ông Thành cho biết hiện các doanh nghiệp nhỏ của tỉnh đã bắt nhịp được với làn sóng FDI, ở họ đã nhìn thấy quyết tâm tham gia vào hệ sinh thái này. “Trước đây cùng lắm chỉ có một vài nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI nhưng chỉ làm thùng bìa thôi. Nhưng mà đến giờ doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp 1 thì xuất hiện rất nhiều. Kinh nghiệm, công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi”, ông cho biết.

Kể với giọng hào hứng, ông cho biết trên địa bàn tỉnh có một công ty mà ông chủ khởi điểm là công nhân nhà máy Đài Loan cung cấp nguyên liệu cho Honda và Toyota. Với tư duy “người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, ông này đã lập doanh nghiệp, cung cấp vật liệu từ doanh nghiệp cấp 2, trở thành cấp 1, đang cung cấp chính cho Honda.

Ông chủ doanh nghiệp này, như kể lại của ông Thành cho rằng vì thiếu tự tin, tự tôn dân tộc cũng như tinh thần làm chủ, nhìn doanh nghiệp FDI như một cái gì đó cao siêu nên doanh nghiệp Việt còn hạn chế…

Ông Thành cũng cho biết thêm, khi đến doanh nghiệp trên, có đến 20 người Nhật đang làm thuê cho họ.

Vị Phó Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ các doanh nghiệp tỉnh nhà nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung để có cơ sở tham gia vào chuỗi cung ứng. Bởi lẽ, ông nhận định chỉ cần có quyết tâm, người Việt có thể làm được, còn nếu là trông chờ từ phía các doanh nghiệp FDI thì khẳng định là không bao giờ.

Phó Tổng giám đốc Samsung Vietnam: Năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung

Bài viết mới