“Lướt sóng” vàng…, “bầu” Kiên thua lỗ hơn 368 tỷ đồng

“Bầu” Kiên đã cam kết thế nào?

Cty B&B là công ty gia đình “bầu” Kiên, nay đi kiện Cty ACI (cũng do ông Kiên lãnh đạo thời điểm 2009, 2010), yêu cầu tòa án hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và đòi hơn 190 tỷ đồng.

Trong khi đó, nguyên nhân để có 2 hợp đồng này cũng chính từ “bầu” Kiên mà ra.

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Đức Kiên là cổ đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật của Cty AFG, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty ACI.

Năm 2009 – 2010, ông Kiên chỉ đạo mọi hoạt động kinh doanh của cả AFG và ACI, trong đó có kinh doanh vàng. Để có được sự chấp thuận của các cổ đông để kinh doanh vàng thông qua các Cty này, ông Kiên đã cam kết cá nhân ông sẽ chịu các khoản lỗ khi kinh doanh vàng của Cty AFG và ACI. Nhưng việc kinh doanh vàng gây lỗ lớn, nên vào ngày 13.8.2010, các cổ đông đã họp để thống nhất giải quyết khoản lỗ khi kinh doanh vàng.

Đây là biên bản có thể nói là gốc rễ của vụ án, vừa được phía bị đơn nộp đến tòa án vào ngày 16.8, trước phiên xử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24.8 tới.

Tại biên bản họp này, ông Kiên nhận trách nhiệm về khoản lỗ của Cty ACI và khắc phục bằng cách chỉ định Cty B&B (là Cty gia đình “bầu” Kiên) mua lại cổ phiếu Cty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) và cổ phiếu Nhà Rồng thuộc danh mục đầu tư của Cty ACI, giá mua bằng với giá vốn mà Cty ACI đã bỏ ra để đầu tư 2 loại cổ phiếu này cộng với khoản lỗ kinh doanh vàng do ông Kiên gây ra cho ACI khi kinh doanh vàng.

Căn cứ biên bản cam kết của “bầu” Kiên, ACI (do chính ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT) đã ký 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Cty B&B (do vợ ông Kiên, bà Đặng Ngọc Lan, làm Tổng giám đốc). Hợp đồng số 05, Cty B&B nhận của Cty ACI cổ phần SCSC tổng giá trị hơn 372 tỷ đồng, giá này được cộng khoản lỗ kinh doanh vàng là hơn 232 tỷ đồng. Hợp đồng số 06, Cty ACI chuyển nhượng cho Cty B&B cổ phần Nhà Rồng tổng giá hơn 219 tỷ đồng, giá này được cộng khoản lỗ kinh doanh vàng là hơn 136 tỷ đồng.

Thủ thuật và những phi vụ

Khi ký 2 hợp đồng giữa Cty ACI và Cty B&B, thủ thuật đã dùng tại 2 hợp đồng này là đều không ghi rõ thỏa thuận thời hạn thanh toán. Ngày 20.12.2010 ký hợp đồng, thì ngay sau đó 1 ngày (21.12.2010) ông Kiên và vợ mình bà Lan ký tiếp phụ lục hợp đồng thỏa thuận phương thức thanh toán là chỉ thanh toán số tiền 190 tỷ đồng, số tiền còn lại thì kéo dài đến 5 năm sau mới thanh toán (năm 2015).

Hồ sơ vụ án thể hiện, khi “bầu” Kiên vướng vào lao lý, giá cổ phiếu SCSC và Nhà Rồng giảm, Cty B&B yêu cầu Cty ACI chấm dứt 2 hợp đồng chuyển nhượng, chịu mất số tiền đã thanh toán; đến khi 2 cổ phiếu này tăng, lại yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không thanh toán tiền chuyển nhượng đúng theo thỏa thuận.

Đến nay kiện ra tòa, Cty B&B lại yêu cầu Cty ACI hủy hợp đồng và đòi 190 tỷ đồng đã chuyển (trong đó bao gồm cả số tiền hơn 89 tỷ đồng của chính Cty ACI bằng cách mua bán lòng vòng như chúng tôi đã nêu ở bài trước ).

Liên quan đến vụ kiện này, ACB cho biết, không hiểu vì lý do gì, đơn khởi kiện của Cty B&B lại yêu cầu ACB liên đới chịu trách nhiệm với Cty ACI hoàn trả số tiền 190 tỷ đồng? Thực tế ACB chẳng liên quan gì đến các thỏa thuận, hợp đồng. ACB chỉ là bên nhận thế chấp các cổ phiếu này hợp pháp và ACB cho biết đã xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đúng quy định.

Hà Văn Thắm: Buôn lốp xe mua nhà băng, tuổi 40 giàu hơn Bầu Kiên

Bài viết mới