Vấn đề đặt ra tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 17/10.
Lương tăng nhưng chưa khơi được nhiệt huyết
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Trần Văn Lý cho biết, từ 2004-2017, Chính phủ đã điều chỉnh tăng 9 lần mức lương cơ sở, từ 290.000 đồng – 1,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, tiền lương chưa là nguồn thu nhập chính, chưa tạo động lực, nhất là đối với người có năng lực, trình độ, chuyên tâm cống hiến trong công việc; chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả”, ông Lý nhìn nhận.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cũng đánh giá, hiện nay mức lương cơ sở quá thấp, mặc dù từ năm 2004 – 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và gia đình họ.
Cụ thể, so với lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp năm 2018, thì mức tiền lương cơ sở của CBCCVC mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu.
Lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 40% mức sống tối thiểu.
Ông Lý cũng nêu thực tế cứ 3 năm hoàn thành nhiệm vụ thì được xét nâng lương, nhưng việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ còn hình thức và chưa thực chất.
“Chế độ nâng lương chưa khuyến khích người có năng lực làm việc hết khả năng để có thu nhập cao hơn. Trái lại còn tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ tiền lương, chưa kích thích được tính sáng tạo và nhiệt huyết với lao động có năng lực, trình độ…”, ông Lý đánh giá.
Lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống?
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cho biết, hiện nay cơ chế quản lý và chi trả tiền lương khu vực ngoài nhà nước đã thay đổi, mức chi trả được quyết định bởi cấp quản lý trực tiếp người lao động.
Tuy nhiên, trong khu vực nhà nước vẫn thực hiện chế độ chi trả bằng hình thức thi cử và theo tiêu chuẩn bằng cấp. Điều này đã dẫn đến việc quản lý và cách chi trả tiền lương bị lạc hậu, làm nảy sinh nhiều bất cập.
“Việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn đạt ở mức quá thấp so với thị trường lao động, nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá”, ông Cường cho hay.
Tổng Liên đoàn Lao động VN đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành luật Tiền lương tối thiểu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu. Lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.
“Hội đồng Tiền lương quốc gia cần xác định và công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, Tổng Liên đoàn LĐVN đề xuất.
Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn nhiều vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực, từ CBCCVC, lực lượng vũ trang…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế mỗi lần Chính phủ trình đề án cải cách tiền lương để TƯ thảo luận thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương.
“Qua thảo luận, TƯ thấy rằng cải cách tiền lương không phải chỉ mỗi việc tạo nguồn mà phải dựa vào cả tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, tiền lương của lãnh đạo DNNN quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Sau này điều chỉnh lại thì bất cập mới là tiền lương lãnh đạo DNNN lại bị đóng khung…
Nguyên nhân của thực trạng trên là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách), nguồn lực ngân sách hạn chế; chưa khắc phục bất cập quản lý DNNN, đơn vị sự nghiệp công…