Lượng khách hàng mới tăng chóng mặt, có hơn 10% dân số dùng Techcombank, hơn 20% dân số sử dụng MB

TIN MỚI

Chuyển đổi số là một trong những điểm sáng hoạt động kinh doanh của MB trong năm 2022. Với việc phát triển hệ sinh thái trên 2 nền tảng App MBBank (khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (khách hàng doanh nghiệp), tổng số khách hàng mà MB phục vụ cuối năm 2022 đã đạt 20 triệu khách hàng, tăng 54% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong 1 năm, MB đã thu hút được thêm khoảng 7 triệu khách hàng.

Tại Techcombank, khép lại quý 4/2022, ngân hàng có 10,8 triệu khách hàng, thu hút thêm 373.000 khách hàng mới trong quý và 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2022. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 4 năm 2022 đạt 238,7 triệu giao dịch (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên giá trị giao dịch giảm nhẹ 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,5 triệu tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết, số lượng khách hàng và doanh số giao dịch qua kênh số tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Chẳng hạn như HDBank cho hay, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số (ebanking) tăng tới 208% trong năm 2022, số lượng giao dịch cũng tăng 97% so với cùng kỳ.

VPBank thì cho biết, ứng dụng VPBank NEO đã giúp thu hút thêm hơn 2 triệu khách hàng cho VPBank trong năm qua, với lượng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng 5,2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng sau hơn 2 năm ra mắt. Số lượng giao dịch trên nền tảng VPBank NEO và VPBank NEOBiz đã đạt hơn 230 triệu giao dịch, tăng 86% so với 2021.

Tại VIB, việc đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng đã giúp VIB có thêm hơn 1 triệu khách hàng chất lượng mới trong năm 2022, đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành trước kế hoạch mục tiêu 4 triệu khách hàng năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, VIB ghi nhận số lượng khách hàng mới đăng ký qua kênh số đạt 40% trên tổng số, tỷ lệ tăng trưởng đạt 65% so với năm 2021. Số lượng và giá trị giao dịch trên các kênh số của VIB luôn tăng gần gấp đôi qua các năm.

Có thể thấy, tại nhiều ngân hàng, số lượng khách hàng tăng thêm chỉ trong vài năm gần đây đã bằng hàng chục năm trước đó cộng lại. Như tại MB, chỉ trong 2 năm 2021-2022, nhà băng này thu hút tới hơn 13 triệu khách hàng mới.

Động lực cho sự tăng trưởng chóng mặt này đến từ việc triển khai chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trong đó, việc áp dụng eKYC đã giúp người dân có thể mở tài khoản bất cứ lúc nào mà không cần phải đến tận phòng giao dịch. Thêm vào đó, các chương trình mở tài khoản số đẹp, miễn phí dịch vụ,….cũng đã thu hút người dùng sử dụng thường xuyên dịch vụ tài chính ngân hàng.

Không chỉ số lượng khách hàng mở tài khoản mà giá trị giao dịch trên kênh số cũng tăng rất mạnh thời gian qua. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ trên 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Trong đó, hoạt động thanh toán không tiền mặt diễn ra rất sôi động. Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% (về số lượng) và 40,55% (về giá trị); qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%. Ngoài ra, giao dịch qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới