Lúng túng triển khai Nghị Quyết 42 về xử lý nợ xấu ở địa phương

Sáng nay ngày 25/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và các tháng đầu năm 2018.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng thuộc đoàn Hải Phòng đánh giá, việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã bước đầu có kết quả khả quan. Chỉ trong 7 tháng kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tổng số nợ xấu giảm 21%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ còn 2,18%.

Tuy nhiên theo đại biểu, ghi nhận tại địa phương còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan hữu quan còn thiếu quyết liệt và đồng bộ, đặc biệt trong khâu thu giữ tài sản đảm bảo, hoạt động thi hành án trong xử lý nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả và còn lúng túng. Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm chưa phát huy hiệu quả trong thực tế do chậm văn bản hướng dẫn.

“Đề nghị các bộ ngành tập trung hướng dẫn địa phương có giải pháp đồng bộ giải quyết vấn đề này để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Trước đó trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế ngày 22/5, đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng nhận xét hoạt động xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực. Dù nợ xấu vẫn còn cao nhưng nếu không có nghị quyết 42 thì nợ xấu sẽ còn cao hơn nữa.

Tại buổi hội thảo Toàn cảnh ngân hàng 2018 diễn ra hồi đầu tháng 5, nhiều chuyên gia cũng cho biết thực hiện NQ 42 hiện còn nhiều khó khăn đặc biệt trong xử lý tài sản đảm bảo ở các địa phương. Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết các hướng dẫn của các bộ ngành liên quan trong đó có bên tòa án tổng kết đang có tới hơn 113 vướng mắc. Cách ứng xử của mỗi địa phương lại khác nhau trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Xử lý nợ xấu: Không quyết liệt thì không kịp!

Bài viết mới