Lấy uỷ quyền của cư dân bầu cho… nhân viên
Để quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động vận hành, bảo trì nhà chung cư, sau khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua, hội nghị nhà chung cư (HNNCC) lần đầu sẽ được tổ chức để bầu ra ban quản trị (BQT). Đây là đơn vị tiếp nhận tiền phí bảo trì từ chủ đầu tư để phục vụ cho công tác bảo trì phần sở hữu chung.
Chính vì tầm quan trọng của BQT nên hầu hết cư dân đều muốn bầu chọn những ứng viên có trách nhiệm vào BQT. Thế nhưng, chuyện chủ đầu tư tìm cách đưa nhân viên vào BQT lại không hiếm, như trường hợp tại chung cư Luxcity (quận 7, TP.HCM). Dự án do Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (Địa ốc Đất Xanh) làm chủ đầu tư.
HNNCC lần đầu của chung cư Luxcity không thành công vì cư dân phản đối chủ đầu tư bầu nhân viên vào Ban quản trị. |
Theo cư dân Luxcity, HNNCC lần đầu của chung cư này diễn ra cuối tháng 12/2017 đã không thành công bởi sự can thiệp từ phía chủ đầu tư. Cư dân hi vọng hội nghị lần 2 dự kiến tổ chức ngày 28/1 tới đây, tình trạng này sẽ không còn tiếp diễn.
Cư dân Nguyễn Khánh cho biết, hôm đó nhân viên Địa ốc Đất Xanh nói có 250 giấy uỷ quyền của những cư dân vắng mặt uỷ quyền cho họ biểu quyết các vấn đề hội nghị. Ngoài một đại diện của chủ đầu tư, Địa ốc Đất Xanh dùng giấy uỷ quyền này bầu cho hai cá nhân khác được cho là nhân viên đang làm việc cho công ty. Trong hai người này, một người đang sinh sống tại Luxcity và người kia thì đang cho thuê căn shophouse.
Tuy nhiên, khi ông Khánh và tập thể cư dân yêu cầu được kiểm tra các chữ ký trên giấy uỷ quyền có phải của cư dân sống tại Luxcity hay không thì họ lại né tránh, không cho xem giấy tờ.
|
Chung cư Luxcity bàn giao chưa lâu nhưng đã có tình trạng nứt tường. |
“Bản thân tôi là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất hôm đó nhưng tôi tự nguyện xin rút lui vì cư dân phản đối dữ quá, họ không chấp nhận sự can thiệp của chủ đầu tư vào việc bầu BQT”, ông Khánh giải thích lý do hội nghị chung cư Luxcity thất bại, không bầu được BQT.
Ông Hiếu, một cư dân Luxcity cho rằng, BQT đại diện cho tiếng nói của cư dân, nhưng nếu bị chi phối bởi chủ đầu tư thì những phản ánh của cư dân sẽ không được giải quyết thấu đáo. Bằng chứng là các tiện ích tại Luxcity còn nhiều tồn tại, cư dân phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết thấu đáo.
|
Chân tường bị thấm nước từ nhà vệ sinh. |
“Chúng tôi đang đóng phí quản lý 11.000 đồng/m2/tháng. Chung cư đi vào hoạt động chưa lâu nhưng Ban quản lý báo đã âm hơn 600 triệu đồng. Không biết họ thu chi như thế nào, trong khi các tiện ích ở đây rất sơ sài”, ông Hiếu nói.
Ngoài tiện ích không tương xứng với mức phí quản lý, một số cư dân Luxcity còn phản ánh chất lượng căn hộ tại đây là có vấn đề như tường có nhiều vết nứt, chân tường bị thấm, nước từ cống thoát tràn lên nhà vệ sinh… dù dự án bàn giao chưa lâu.
Uỷ quyền có đúng luật?
Hình thức “cài” nhân viên vào BQT còn được Địa ốc Đất Xanh áp dụng tại dự án do công ty này làm chủ đầu tư là Opal Riverside ở quận Thủ Đức. Hiện dự án đang trong quá trình bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Anh H.M.H, chủ căn hộ ở block B tầng 17 của dự án này cho biết, khi nhận bàn giao nhà vào cuối năm 2017, anh được nhân viên Địa ốc Đất Xanh đưa cho giấy uỷ quyền dự hội nghị chung cư đã in sẵn tên tuổi, số căn hộ của anh.
“Nhân viên này nói sau khi bàn giao nhà cho khách mua xong, công ty sẽ tổ chức hội nghị chung cư để bầu BQT. Nếu cư dân không có thời gian tham dự thì uỷ quyền cho đại diện công ty tham dự và biểu quyết các vấn đề tại hội nghị này”, anh H. thuật lại. Vì không để ý đến chuyện hội nghị chung cư nên anh H. đã ký vào giấy uỷ quyền này.
Dù chưa nhận bàn giao nhà nhưng khi biết có giấy uỷ quyền này, chị N.T.M.K, người mua căn hộ tầng 11 block B rất bất bình. Theo chị K, dường như Địa ốc Đất Xanh muốn đưa cư dân “vào tròng” ngay khi bàn giao nhà, việc uỷ quyền chẳng khác nào cư dân đưa quyền quyết định thành viên BQT cho chủ đầu tư.
Theo Luật sư Lê Ngô Trung (Luật sư cao cấp Công ty Luật TNHH Vega), để đảm bảo tính minh bạch trong HNNCC, cư dân có quyền được kiểm tra tính pháp lý của tất cả giấy uỷ quyền do phía chủ đầu tư đưa ra.
Luật sư Ngô Lê Trung cho rằng, theo phản ánh của cư dân, việc uỷ quyền tham gia HNNCC tại hai chung cư nói trên có dấu hiệu chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bởi căn cứ theo điểm C khoản 2 điều 16 của Thông tư 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì “mỗi chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư chỉ được uỷ quyền cho một người đang sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong chung cư đó tham gia HNNCC”.
Về các vấn đề người mua dự án Opal Riverside đang phản ánh như quyết định chọn đơn vị quản lý, vận hành chung cư; phí quản lý và phí giữ xe quá cao; tiện ích chưa hoàn thiện…, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet sáng 15/1, đại diện truyền thông của Địa ốc Đất Xanh cho biết: Trước khi lập BQT, mức phí quản lý do chủ đầu tư thu dựa trên nguyên tắc thu đủ bù chi. Sau này, BQT có quyền căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh tăng hoặc giảm phí quản lý.
Còn việc chọn đơn vị quản lý là Công ty cổ phần quản lý và khai thác toà nhà PMC (Công ty PMC) thay vì Savills, đại diện Địa ốc Đất Xanh cho biết, mặc dù giá chào thầu của Công ty PMC cao nhất trong tất cả đối tác tham gia thầu nhưng Địa ốc Đất Xanh chọn đơn vị này với kỳ vọng chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cấp phục vụ tốt nhất nhu cầu của cư dân.
“Trường hợp Công ty PMC quản lý không đạt chất lượng, cư dân có quyền phản ánh để chủ đầu tư xem xét, làm việc lại. Hoặc sau HNNCC của Opal Riverside, cư dân hoàn toàn được quyền lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tòa nhà khác thay thế nếu Công ty PMC làm không tốt”, đại diện Địa ốc Đất Xanh nói.