Lục đục chuyện gia đình nhưng Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận vượt trội Vinacafe

Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – người vẫn được biết đến dưới danh phận là vợ của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Trung Nguyên – đã bất ngờ nộp đơn kiện chồng ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Theo đơn kiện, bà Thảo không đồng ý với các quyết định miễn nhiệm bà khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hòa tan Trung Nguyên bởi cuộc họp công bố Nghị quyết miễn nhiệm chỉ được ông Vũ tổ chức cùng với mẹ của ông mà không có mặt bà Thảo. Cũng trong thời gian này, tòa án thụ lý đơn ly hôn của 2 người.

Vụ kiện tụng giữa 2 vợ chồng doanh nhân nhà Trung Nguyên ầm ĩ một thời gian dài và trái với phong cách “chém gió” thường lệ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn im lặng. Trong khi đó, từ người phụ nữ chỉ đứng đằng sau chồng, bà Thảo xuất hiện liên tục trên truyền thông và cho ra mắt hãng cà phê mới mang tên King coffee của công ty riêng TNI Corporation.

Cho đến tháng 2 năm nay, vụ kiện tụng của nhà Trung Nguyên vẫn chưa ngã ngũ và bà Thảo nói mình chưa được bước chân vào Trung Nguyên để tham gia điều hành.

Là một đế chế lớn trong ngành cà phê nhưng sự mâu thuẫn giữa 2 người sáng lập không khỏi khiến hoạt động của Trung Nguyên bị ảnh hưởng. Sau đơn kiện năm 2015, sản phẩm cà phê hòa tan G7 từng bị ngừng phân phối một thời gian với lý do bảo trì máy móc.

Trả lời trên báo chí, bà Thảo cho biết sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.

Quả thật, theo số liệu chúng tôi có được thì vào năm 2015 và 2016, doanh thu thuần của Trung Nguyên Group (công ty mẹ) đã có sự sụt giảm nhẹ. Con số trong các năm này lần lượt là 3.846 tỷ đồng và 3.813 tỷ đồng – giảm khoảng 1% so với năm liền kề trước đó.

Lục đục chuyện gia đình nhưng Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận vượt trội Vinacafe - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh. Từ con số 1.295 tỷ đồng của năm 2014, trong 2 năm sau, lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên Group chỉ còn 809 tỷ đồng và 768 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại của Trung Nguyên như Trung Nguyên Coffee, Trung Nguyên hòa tan và Trung Nguyên franchise. Đơn vị sở hữu của Trung Nguyên Group là Đầu tư Trung Nguyên – một công ty do ông Vũ và bà Thảo nắm cổ phần.

Lục đục chuyện gia đình nhưng Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận vượt trội Vinacafe - Ảnh 2.

Thực tế, lợi nhuận năm 2014 tăng đột biến là một sự điều chỉnh đặc biệt. Trong năm này, các công ty con chủ chốt của Trung Nguyên như CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ. Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu tài chính cũng như lợi nhuận của công ty mẹ Trung Nguyên tăng đột biến.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng lợi nhuận của Trung Nguyên đã có xu hướng đi xuống khi các nhà máy “phân li” bởi 2 vợ chồng ông Vũ bà Thảo.

Mặc dù vậy, đế chế cà phê 22 năm tuổi vẫn làm ăn tốt hơn nhiều so với một tên tuổi khác trong lĩnh vực này là Vinacafe Biên Hòa (VCF). Doanh thu thuần hàng năm của Vinacafe Biên Hòa thấp hơn khoảng 20%, nhưng lợi nhuận chỉ bằng một nửa.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu của VCF là 3.309 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 420 tỷ đồng – bằng 54,7% của Trung Nguyên. Nhưng năm 2017, doanh thu của công ty này chỉ chưa đầy 3.250 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm còn 372 tỷ đồng.

Tháng 1/2018, Masan Beverage đã chào mua công khai 31,54% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.

Theo nhiều báo cáo nghiên cứu của một số tổ chức như Nielsen hay Euromonitor thì thị phần theo sản lượng cà phê hòa tan của Vinacafe luôn vượt trội so với Trung Nguyên. Các sản phẩm cà phê chiếm 85% nguồn thu của Vinacafe Biên Hòa, phần còn lại đến từ ngũ cốc. Có thể cơ cấu doanh thu của Trung Nguyên có sự khác biệt hơn.

Thực tế vào những năm trước năm 2013, lợi nhuận của Trung Nguyên rất khiêm tốn và tỷ lệ lợi nhuận gộp biên cũng chỉ ở mức 17-18% trong khi Vincafe Biên Hòa luôn đạt từ 21- 29%.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu hoãn phiên tòa vụ tranh chấp điều hành tại Cà phê Trung Nguyên

Bài viết mới