Luật sư: Việc Vinasun dán decal trên xe taxi có dấu hiệu của hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, vi phạm Luật Cạnh tranh

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật Đức Chánh, về câu chuyện đang được nhiều người quan tâm: Vinasun và taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab.

Theo luật sư Chánh, theo quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi gièm pha doanh nghiệp: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Vì vậy, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo luật sư Chánh, theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ thì về cạnh tranh, thì Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn: “a) Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. b) Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.”

Về nguyên tắc tố tụng cạnh tranh thì việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

T.s Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật của Đại học Tôn Đức Thắng, thì cho rằng không có quy định trực tiếp hay gián tiếp nào cấm về việc kinh doanh không được nhắc tới đối thủ cạnh tranh. Đó là vấn đề thứ nhất.

“Còn vấn đề thứ hai, chúng ta nhìn từ góc độ nội dung nói đúng hay sai. Nếu họ nói sai hoặc là gây nhầm lẫn thì chúng ta mới xét tới họ có vi phạm không? Điều kiện, điều khoản nào quy định. Trong bảng decal đó có một số thông tin như yêu cầu dừng thí điểm Grab với Uber vì “điều kiện kinh doanh quá bất công”, luật sư Sơn nhận định.

“Câu này phần đầu là yêu cầu dừng thí điểm thì tôi thấy đúng, vì dừng thí điểm không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn. Còn nội dung thứ hai, có quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh. Vế này phải xem xét và tôi không kết luận được”, luật sư Sơn nói thêm.

Vậy nên, theo luật sư Sơn, phải kiểm tra xem về mặt luật pháp có bất công không. Nếu có bất công thì câu này đúng và cần phải sửa cái sự bất công đấy, nhưng nếu không có bất công thì câu này sai, mà nếu sai thì là gièm pha, vi phạm điều 43 của luật cạnh tranh về hành vi gièm pha.

“Còn trong câu thứ hai ‘yêu cầu Grab và Uber tuân thủ pháp luật Việt Nam’ là câu bất cứ ai cũng nói được. Nhưng ngược lại đối với các doanh nghiệp thì trường hợp này có thể dẫn đến hiểu nhầm. Hiểu nhầm ở đây là Uber và Grab đã và đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu hiểu nhầm thì người ta gọi hành vi này là: Đưa thông tin gây nhầm lẫn. Nếu trường hợp này có thể quy về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác theo điều 44″, luật Sơn giải thích thêm.

Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab

Bài viết mới