Chiều nay 24/1, Phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.
Luật sư Lê Thị Bích Chi bào chữa cho bị cáo Đặng Thị Bích Thủy – nguyên phó giám đốc khối KHDN, giám đốc kinh doanh hội sở TPBank.
Trong bài bào chữa, luật sư thể hiện quan điểm không đồng tình với đề nghị của Viện kiểm sát trong cáo trạng hay luận tội.
Luật sư Bích Chi phân tích các điểm:
Bị cáo Thủy không phải là đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh. Bị cáo Thủy không có sự bàn bạc hay thỏa thuận với Phạm Công Danh. Bị cáo thấy rằng việc làm này không gây hại cho VNCB. Bị cáo Thủy cũng đã khẳng định tại tòa là không thỏa thuận gì với bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai…hay những người tại VNCB. Các bị cáo Danh, Mai cũng đã khẳng định điều này.
Về mối quan hệ với Nguyễn Việt Hà, nguyên chủ tịch công ty Quỹ Lộc Việt, thì ngay trong lời khai của bị cáo Hà, bị cáo cũng không thấy có nguy cơ gì trong khoản vay đối với VNCB và bị cáo Hà cũng đã xem xét tình hình kinh doanh của Tập đoàn Thiên Thanh và Trung Dung. Nói như vậy có nghĩa là, bị cáo Hà không thể có sự trao đổi với bị cáo Thủy về việc rút tiền cho bị cáo Danh sử dụng hay biết được các nguy cơ tiềm ẩn từ các khoản vay được.
Theo luật sư, dựa theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị cáo Thủy không biết trước các nguy cơ tiềm ẩn đằng sau các khoản cho vay, mua trái phiếu và không đồng phạm với Phạm Công Danh dưới mọi hình thức.
Luật sư cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo Thủy tham mưu cho lãnh đạo mua trái phiếu là không đúng. Bị cáo Thủy cho rằng khoản cho vay, đầu tư trái phiếu là có lợi cho ngân hàng và bị cáo Thủy chưa bao giờ nghĩ hay biết rằng hành vi bị quy kết là đồng phạm hay giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh.
Luật sư cũng cho rằng việc cáo trạng quy kết rằng bị cáo Thủy nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh….là không phù hợp với phạm vi vụ án này vì các hành vi này chỉ là có thể vi phạm một số quy trình cho vay của TPBank chứ không phải vi phạm gây thiệt hại cho VNCB. Đây là quy trình tại TPBank và bị cáo không gây thiệt hại cho TPBank. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì TPBank không có thiệt hại, không xem xét được sự liên đới giữa hành động cho vay tại TPBank và khoản thiệt hại tại VNCB nên không thể truy tố tội danh của bị cáo.
Luật sư cũng nêu lên hoàn cảnh của bị cáo Thủy, gia đình gặp nhiều khó khăn khi mẹ già và con nhỏ, đau yếu. Bản thân bị cáo sức khỏe cũng không đảm bảo. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo anh minh của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang lên bào chữa tiếp cho bị cáo Đặng Thị Bích Thủy. Theo luật sư thì biên bản giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hành vi của bị cáo Thủy vi phạm vào quy định 179 và không gây thiệt hại cho TPBank nên không có cơ sở để luận tội bị cáo. Tuy nhiên, cáo trạng cũng như biên bản luận tội lại cố tình dùng 6 luận điểm để buộc tội bị cáo Thủy. Luật sư cảm thấy thất vọng vô cùng với bản luận tội vì bản luận tội đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc suy luận tội cho bị cáo.
Luật sư Trang cho rằng, mọi xét hỏi cũng như khai báo tại tòa đều cho thấy bị cáo Phạm Công Danh chỉ mới gặp bị cáo Thủy tại tòa thôi thì không thể thỏa thuận gì với nhau mà đồng phạm được.
Luật sư cũng cho rằng bị cáo Thủy không có chức năng tham mưu cho lãnh đạo cấp tín dụng nên không thể có hành vi này được.
Luật sư Trang cho rằng không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán Nguyễn Việt Hà đồng phạm với Phạm Công Danh thì bị cáo Đặng Thị Bích Thủy hay bị cáo Đinh Việt Cường cũng đồng phạm với ông Danh được. Theo luật sư, HĐXX cần áp dụng quy tắc suy đoán vô tội cho bị cáo Thủy.