Bắt đầu từ chiều ngày 15/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm chuyển sang phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp trung, với cáo buộc tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong hành vi chi lãi vượt trần.
“Phạt hành chính cũng đủ răn đe và các bị cáo nhớ đời”
Luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho 10 bị cáo nguyên là cán bộ OceanBank) đã nêu ra nhiều vấn đề sai phạm trong kết luận giám định của NHNN.
Ông Được nói rằng, kết luận giám định không hề tìm không thấy một dòng nào kết luận 1.576 tỷ là thiệt hại cho ngân hàng Oceanbank. Luật sư còn cho rằng, kết luận giám định 4605 của NHNN đã vi phạm luật giám định tư pháp.
Về Thông tư 02, luật sư Được dẫn giải NHNN đã thừa nhận trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã huy động cao hơn mức trần. Như vậy là hầu hết các ngân hàng đều như vậy. Trách nhiệm để cho tình trạng hệ thống ngân hàng đua nhau huy động là thuộc về NHNN.
“Nhiều ngày qua các bị cáo ấm ức vì khai rằng khách hàng đến rút tiền như rút ruột, từng giao tiền tay 3 thậm chí giao thẳng cho ngân hàng khác vì đó nếu không chi lãi ngoài sẽ mất thanh khoản và mất an ninh tiền tệ. Điều này mới là nguy hiểm”, ông Được nói.
Luật sư Hoàng Huy Được đã dẫn hai văn bản là thông tư 02 và văn bản 4605 của 2 thống đốc NHNN quy định về việc chi lãi suất vượt trần. Cả hai văn bản này đều cho thấy nếu vi phạm trần lãi suất bị xử phạt theo chế tài hành chính.
“Hầu hết các tổ chức tín dụng huy động vượt trần nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Thế nhưng hiện tại mấy chục bị cáo từng là cán bộ OceanBank lại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để giữ uy tín cho các vị thống đốc NHNN, tôi kiến nghị tòa chỉ xử lý hành chính các bị cáo về hành vi chi lãi suất vượt trần. Việc xử lý như thế cũng đủ răn đe, để các bị cáo nhớ đời”, luật sư Được đề nghị.
Luật sư: Sai phạm chi lãi ngoài chỉ là tai nạn nghề nghiệp
LS. Bùi Phương Lan bào chữa cho Nguyễn Xuân Thắng – nguyên Phó GĐ khối khách hàng lớn và Đối tác chiến lược Oceanbank) nhận định về hành vi chi chăm sóc khách hàng, nhiều bị cáo nghĩ rằng chỉ bị xử lý hành chính chứ không nghĩ bị xử lý hình sự, nếu biết đã không làm. Đến ngay Chủ tịch ngân hàng, tổng giám đốc ngân hàng, các giám đốc CN ngân hàng còn không nghĩ đến điều này. Do đó, bản thân Thắng, ở ngân hàng chỉ làm chức vụ nhỏ, việc giao nhận tiền không nằm trong nhiệm vụ của Thắng. Thắng cũng không biết về các cuộc họp chỉ đạo, chứng từ hồ sơ.
“Đến nay Thắng đã bị giam 36 tháng thời gian giáo dục theo tôi đã đủ sâu sắc. Vai trò đồng phạm của bị cáo là hoàn toàn mờ nhạt, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thắng bằng đúng thời gian tạm giam cho đến nay”, luật sư kiến nghị.
Bào chữa cho bị cáo Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc CN Hà Nội – bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù treo), luật sư Chu Thị Trang Vân nhận xét, việc xảy đến với 34 bị cáo nguyên là lãnh đạo chi nhánh/phòng giao dịch là tai nạn nghề nghiệp.
Theo luật sư Vân, xét về mặt hành vi, bị cáo Thiết nằm trong 10 bị cáo không có bất cứ một hành vi nào, không chỉ đạo, không tiếp nhận trực tiếp, không chi tiền.
Về mặt hậu quả, tổng số tiền mà bị cáo Thiết bị cáo buộc dựa trên tổng số tiền chi nhánh chi lãi ngoài hơn 4 tỷ. Đến nay phiên toà vẫn còn đang xem xét liệu đây có phải là thiệt hại hay không?
Bị cáo Thiết đã nhận thức được sai phạm của mình, tích cực trong việc khắc phục hậu quả. Hiện có 16/34 bị cáo tự nguyện dùng tiền cá nhân khắc phục, trong đó có 4 bị cáo khắc phục toàn bộ trước khi vụ án bị khởi tố, trong đó có bị cáo Thiết. Bị cáo Thiết là người khắc phục nhiều nhất, đóng góp hơn 3 tỷ đồng tiền vay mượn từ gia đình, bị cáo cũng tự mình chủ động đi gặp gỡ các tổ chức thu hồi 1,7 tỷ, khắc phục hoàn toàn trước khi nhận quyết định khởi tố bị can. Có đáng bị xử lý về mặt hình sự hay không?
LS. Đỗ Trần Mai Anh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trà My – nguyên Phó Giám đốc CN Thăng Long cũng đã nhận xét theo kết quả của cơ quan điều tra Nguyễn Thị Minh Phương đã nhờ bị cáo My làm giúp với tư cách cá nhân, không thông qua CN Thăng Long. Do vậy, Nguyễn Trà My không biết nguồn tiền ở đâu, chỉ biết là chị Phương nhờ chuyển. Tất cả những lần nhận tiền đều từ những cá nhân là nhân viên OceanBank. Hành vi này xuất phát từ hành vi nhân văn, không tư lợi. Bị cáo không lường trước được hậu quả xảy ra.
Theo luật sư Mai Anh, bị cáo My đã vay mượn 500 triệu để tự nguyện nộp khắc phục hậu quả và có thái độ hợp tác với cơ quan tố tụng. Bị cáo My chỉ là người làm công ăn lương, bị cáo thành khẩn khai nhận, nhân thân tốt. Bị cáo sinh con vào năm 2013. Bản thân là người có học vấn, có thành tích trong hoạt động ngân hàng. Hoàn cảnh khó khăn nhưng đã tự khắc phục hậu quả, còn có con nhỏ và có bố mẹ già 2 bên.
Tại phiên tòa này từ các phần bào chữa của các luật sư cho thấy điểm chung của 34 bị cáo này đều là những người được đào tạo chuyên môn, phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và ít nhiều có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác tại ngân hàng. Một vài trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang có bố là liệt sỹ, mẹ nguyên là cán bộ cách mạng về hưu. Hiện nay bị cáo đang phải một mình nuôi mẹ già và 2 con nhỏ, trong đó người con đầu mắc bệnh tâm thần suốt ngày phá phách. Do đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét và giảm nhẹ hình phạt cho họ.