Kể từ 1/1/2018 trở đi, một số quy định liên quan tới các hoạt động trái phép về Bitcoin sẽ chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, Chính phủ không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền này là không hợp pháp. Theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150-200 triệu đồng. Còn theo Sửa đổi Bộ luật Hình sự về hoạt động ngân hàng và hoạt động liên quan đến ngân hàng, từ 1/1/2018, việc phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 -300 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Sau khi nghiên cứu kỹ các quy định trên, anh H – một người đầu tư Bitcoin ở Hà Nội tóm tắt ra “ba không” khi đầu tư tiền ảo tại Việt Nam: không được phép phát hành, không được phép cung ứng, không được phép mua bán hàng hóa bằng coin. Dựa vào đó, anh T cho rằng việc đào coin không phạm pháp, không phải là hoạt động cung ứng cũng như phát hành. “Hơn nữa, những dàn máy được nhập khẩu về Việt Nam qua đường chính ngạch đều có tem hải quan, nên chắc chắn không phải là tài sản phạm pháp” anh nói.
Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư Bitcoin, thảo luận về các quy định xử phạt các hoạt động trái phép về Bitcoin cũng rất sôi nổi. Anh T – Hà Nội, thành viên trên một diễn đàn dành cho những người mới làm quen với Bitcoin cho rằng, với quy định theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chỉ có các hành vi phát hành, mua bán, giao dịch nhưng phải gây thiệt hại cho người khác từ 100-300 triệu thì mới bị phạt tiền hoặc đi tù. Nếu dưới 100 triệu thì không biết sao vì không thấy luật đề cập.
Theo anh T, nếu mua bán thì cùng lắm là bị phạt dân sự, còn người nào dựa vào coin để lừa đảo và bị tố cáo, bị kiện mới bị án hình sự. “Mục đích của các quy định chủ yếu là để chống các hành vi phạm pháp như lừa đảo, rửa tiền,… nên về cơ bản luật không làm ảnh hưởng nhiều tới đại đa số người tham gia đầu tư kiếm lời từ Bitcoin” anh T chia sẻ.
Ngoài ra, bởi vì Bitcoin không được coi là phương tiện thanh toán và việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán, mua bán hàng hóa sẽ bị xử phạt, người chơi coin liền nghĩ ngay đến việc chuyển đồng tiền này sang VNĐ (bằng cách bán Bitcoin cho người khác) rồi dùng VNĐ để mua hàng hóa, dịch vụ. Anh H cho biết “Tuy làm theo cách này sẽ mất nhiều thời gian mà giá Bitcoin lại biến động khó lường, nhưng như vậy sẽ chắc chắn hơn”.
Trên thực tế, muốn mua được “tiền ảo” hầu như phải thông qua “tiền thật” và nhiều người mua Bitcoin chọn cách chuyển khoản qua ngân hàng. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chính điểm này sẽ là một cơ sở để Nhà nước quản lý. Ông nói “Động tác chuyển tiền, phải có tiền thật, các đầu vào và đầu ra, có giao dịch thực sự mới có ý nghĩa. Nhưng khi giao dịch như vậy đều bị quản lý bởi Nhà nước, đều bị phong tỏa nên không thể tự Bitcoin trở thành tiền được”.
Đối phó với việc chuyển tiền giao dịch Bitcoin sẽ bị phát hiện, nhiều người lo xa tự nhắc nhau rằng khi chuyển tiền, nội dung giao dịch cần tránh các từ liên quan tới “coin”, “bitcoin”,….và tên các đồng tiền ảo khác. Thay vào đó, nội dung chuyển tiền chỉ bao gồm họ tên và số điện thoại hoặc nội dung chung chung không cụ thể.
Lĩnh vực tiền ảo vẫn đang trong thời kỳ đầu, hệ thống pháp luật không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới cũng đang hết sức bối rối chưa biết quản lý ra sao. Trong khi đó, giới đầu tư lại cho rằng, vì quy định còn đang nhiều lỗ hổng, chưa cụ thể rõ ràng nên vẫn là thời điểm tốt để đầu cơ, sinh lời.