Đoàn nhà báo Việt Nam 9 người đi tìm hiểu công nghệ làm báo mới của báo Telegraph, Hãng tin Press Association và Đài BBC. Xong việc ở Đài BBC lúc khoảng hơn 16 giờ ngày 24/11 giờ London (23h ngày 24/11 giờ Hà Nội), đoàn được chở đi về phía đường Oxford – một trong các con phố mua sắm chính ở thủ đô Anh Quốc đang cực kỳ sôi động trong ngày Black Friday, ngày xả hàng tồn đại hạ giá trong năm.
Hậu cảnh của ảnh là dòng xe nghẽn trên đường Oxford đoạn dẫn đến ga tàu điện nơi xảy ra sự cố.
Khoảng gần 17h, xe chúng tôi đang nhích chầm chậm trên con đường đông nghẹt giờ cao điểm thì bỗng dưng phía trước tắc cứng lại, xe cứu hỏa và hàng loạt xe cảnh sát hú còi lao vun vút về phía trước nhưng trên làn ngược chiều lúc đó bỗng nhiên vắng tanh. Người dẫn đoàn nói: “Phía trước có gì đó xảy ra. Người tập trung đông và cảnh sát đang kéo tới. Xe cộ không đi ra từ phía đó nữa”.
Xe vẫn không nhích lên được. Chúng tôi gọi điện cho một người vừa cùng chúng tôi làm việc ở BBC hi vọng biết thông tin. Chị nói đang ở trong một nhà hàng ở chính nơi cảnh sát đang tập trung về, cũng không biết chuyện gì xảy ra, chỉ nghe nói có người bị bắn, và những người đang có mặt trong các cửa hàng, nhà hàng trong khu vực được yêu cầu ở yên tại chỗ.
Chúng tôi lên mạng gõ từ khoá “đường Oxford”. BBC và một số báo đã tường thuật trực tiếp được 4 – 5 phút. Sự việc bắt đầu từ khoảng hơn 16h30 một chút. Phóng viên BBC Helen Bushby nói rằng chị thấy một đám đông hỗn loạn đang chạy khỏi ga tàu điện ngầm Oxford Circus. “Họ la khóc, quăng những túi đồ vừa mua sắm để chạy. Cảnh tượng thật hoảng loạn. Nghe nói có nổ súng và sự hoảng hốt nhanh chóng lan rộng”. Một người vừa thoát khỏi khu vực nói rằng không biết có chuyện gì, chỉ thấy tự nhiên có biển người ựa lên từ dưới ga tàu điện ngầm, giẫm đạp lên nhau.
Trên mạng xã hội nhanh chóng lan đi khuyến cáo của cảnh sát Luân Đôn: Khu vực ga tàu điện ngầm Oxford Circus đang có sự cố, khuyến cáo người dân không đi vào khu vực đó. Những ai đang trong khu vực thì nhanh chóng vào ngay nhà gần nhất bên đường.
Trên các báo điện tử, đại diện cảnh sát phát biểu thận trọng, chỉ nói là một sự cố với hành khách tàu điện ngầm, không loại trừ bất cứ nguyên nhân nào, nhưng nói là đang phản ứng như với một vụ việc có liên quan đến khủng bố.
Phía trước cảnh sát đã ngăn đường, xe chúng tôi rẽ sang đường khác, để rời khu vực. Chạy qua vài phố, thấy các ô tô và mô tô cảnh sát bật đèn rú còi chạy vun vút. Trên trời vang rền tiếng trực thăng. 5-6 chiếc bật đèn quần đảo. Có 2 chiếc bay treo đứng yên.
Xe dừng lại một điểm gần khu phố người Hoa để mọi người xuống đi bộ đến một nhà hàng Việt đã đặt chỗ trước. Bỗng phía trước có mấy người chạy ngược lại nói “chạy đi, chạy đi”. Người dẫn đoàn vội đưa cả nhóm chúng tôi chạy ngược trở lại và vào một tiệm cà phê để lánh. Có vẻ hoang báo vì sau đó mấy phút vẫn thấy có ô tô và người đi bộ đi vào con phố đó. Tuy vậy, người dẫn đoàn vẫn quyết định dẫn chúng tôi lên xe rời khu vực nguy hiểm.
Đến 17h47, cảnh sát Luân Đôn báo yên, không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nổ súng nào, toàn bộ khu vực được rà soát kỹ, không phát hiện điều gì đáng ngờ, trật tự được vãn hồi, hai ga tàu điện ngầm vừa bị đóng cửa trong khu vực được mở trở lại. Các báo, đài dẫn nguồn tin cảnh sát nói họ nhận được rất nhiều cuộc gọi báo vào số điện thoại khẩn cấp 999 là có nổ súng tại ga tàu điện ngầm Oxford Circus và họ đã triển khai lực lượng như một chiến dịch chống khủng bố. Khoảng đôi tiếng sau, cảnh sát phát đi thông báo “mong muốn nói chuyện với hai người đàn ông đã cãi lộn trên sân ga tàu điện ngầm”. Hai tấm ảnh một người da trắng, một người da đen được phát kèm hơi mờ có lẽ trích xuất từ camera an ninh.
Tạm thời nguyên nhân phát ra tín hiệu báo động ở ga Oxford Circus chưa được xác định. Tuy nhiên một phụ nữ tên là Regan Warner kể lại trên mạng xã hội rằng bà thấy hai người đàn ông va mạnh vào nhau trên ga đang đông nghẹt người. Họ chửi bới rồi đấm nhau. Sau đó là ẩu đả kịch liệt. Mọi người cố ngăn lại không được nên tìm cách chạy khỏi. Phụ nữ la hét, trẻ em khóc thét, mọi sự nhanh chóng biến thành hoảng loạn. Ai đó lại ấn chuông báo động nữa. Phóng viên Ryan Butcher của báo Independent (Độc Lập) có mặt ở ga thời điểm đó thuật lại rằng trên hệ thống loa đã phát đi thông báo “mọi người sơ tán khẩn cấp vì có tín hiệu báo động”. “Tôi chỉ nghe thấy những tiếng la thét, một số người hô: “Chạy!” và mọi người chạy túa ra đường. Tôi thấy họ lập tức trốn vào các toà nhà và tôi cũng vào toà gần nhất” – Butcher viết. Nơi Butcher vào là một tiệm ăn. Ông thấy mọi người ở đó “run và khóc – cảnh tượng thật đáng sợ”.
Thiệt hại nhanh chóng được thống kê. 16 người bị thương nhẹ, trong đó 1 người phải đưa đi cấp cứu vì bị chấn thương ở chân, 6 người được đưa đến cơ sở y tế để chăm sóc. Tuy nhiên, với việc có đông người quẳng đồ để chạy, việc buôn bán tại khu vực mua sắm sầm uất bậc nhất thủ đô Luân Đôn bị đình trệ trong ngày đại hạ giá và căn cứ vào việc chúng tôi phải bỏ bữa ăn đã đặt sẵn trong nhà hàng (người dẫn đoàn sau đó đã quay lại với mong muốn bỏ đồ ăn vào hộp mang về cho đoàn nhưng cảnh sát không cho phép vào khu vực, đành thôi) thì có thể đoán tổng thiệt hại chung là không nhỏ.
Cảnh sát Luân Đôn vừa tiến hành một chiến dịch gây náo loạn thành phố từ những tin hoang báo nhưng được báo giới và dư luận biểu dương vì những hành động thần tốc: họ chỉ mất chưa đến một phút sau khi nhận được tin báo để những cảnh sát đầu tiên triển khai tại hiện trường. Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan cũng ca ngợi sự nhanh nhạy của cảnh sát. Theo một số người ở Anh, Chính phủ của bà Theresa May cắt giảm đến khoảng 100.000 người của lực lượng an ninh, cảnh sát nên người Anh trở nên lo lắng về năng lực của lực lượng này hơn trước. Tuy nhiên, sự cố ga tàu điện ngầm Oxford Circus làm họ cảm thấy tin tưởng.
Tuy nhiên, cũng có người bị chỉ trích nặng nề trong sự cố này. Đó là một số nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng đã góp phần phao tin nhảm trên mạng xã hội. Tommy Robinson – cựu thủ lĩnh EDL (phong trào đường phố chống lại sự bành trướng của đạo Hồi và người Hồi giáo ở Anh) đã viết trên Twitter: “giống như một cuộc tấn công Hồi giáo”. Phát thanh viên Kay Burley của Đài truyền hình Sky News thì sử dụng mấy chữ “người đàn ông cầm súng”. Đặc biệt bị chỉ trích nặng là ca sĩ nhạc Pop Olly Mur. Khi trên mạng xã hội, người ta tới tấp gửi đi tin nhắn, ảnh, thông tin về người thân mà họ không liên lạc được trong thời điểm đó thì ca sĩ này lại viết trên tài khoản Twitter có 8 triệu người theo dõi của mình: “F*** mọi người ra khỏi @Selfridges bây giờ ngay súng đang bắn!! Tôi ở trong”. Sau đó Olly Mur phải biện minh trên truyền hình rằng mình “đang trong trạng thái sốc và hoảng loạn và cố làm mọi người nhận thức được chuyện đang xảy ra”.
Tóm lại, “sự cố ga tàu điện ngầm Oxford Circus” kết thúc tương đối có hậu mặc dù khá giống như tên vở kịch nổi tiếng của văn hào xứ Sương mù William Shakespeare “Chuyện chả có gì mà ầm ĩ”. Nói vậy nhưng thực sự trong tôi vẫn có đôi chút nghi ngờ. Đêm hôm đó, xe cảnh sát nổi còi chạy đi chạy lại trong thành phố khá nhiều. Phải chăng vẫn có gì đó nên mới ầm ĩ thế?
Có điều lạ là người dân London có vẻ bình thản. Ở khu vực gần khu xảy ra sự việc, người ta vẫn xếp hàng dài trước các nhà hàng và tiệm cà phê. Tối hôm trước báo đua nhau tường thuật trực tiếp sự việc, nhưng sáng hôm sau khi xem một sạp báo ở một điểm dừng trên đường cao tốc, tôi thấy tương đối ít tờ khai thác trên trang nhất.