Mánh lới tinh vi của các đối tượng
Thời gian qua, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước tuyên truyền, cảnh báo tới địa phương, doanh nghiệp và người dân về các trường hợp giả mạo, lừa đảo trong tiếp nhận vốn nước ngoài để cảnh giác, phòng ngừa.
Các đơn vị trên đã có nhiều văn bản hướng dẫn, cảnh báo tới các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hoạt động nghi vấn lừa đảo thông qua các hình thức tiếp nhận, vay vốn nước ngoài, khai thác “kho báu”… nhưng các vụ việc với thủ đoạn tương tự vẫn có chiều hướng gia tăng.
Vụ việc đang được Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư, Tổng cục An ninh, Bộ Công an giải quyết là một ví dụ. Trong vụ việc này, cơ quan liên quan là Bệnh viện Đa khoa Đông Anh chưa bị thiệt hại gì nhưng vụ việc thêm một lần nữa là lời cảnh báo về tình trạng giả mạo, lừa đảo trong tiếp nhận vốn nước ngoài. Bệnh viện Đa khoa Đông Anh được thành phố Hà Nội đầu tư, xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện, bổ sung trang thiết bị…
Các văn bản giả văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vì thế, khi nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo về việc hỗ trợ giải ngân một khoản tiền trong quý IV-2017, bác sỹ, Giám đốc Ngô Văn Huy và ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh rất vui mừng. Tại buổi làm việc vào một ngày đầu tháng 10-2017, các cán bộ “Bộ KH&ĐT” thông báo trong quý IV-2017 sẽ chuyển hơn nửa tỷ đồng…
Sau khi các cán bộ của Bộ KH&ĐT ra về, lãnh đạo bệnh viện kiểm tra phát hiện nhiều điểm bất thường trong văn bản của “Bộ KH-ĐT”, thậm chí đó là những sai sót không thể chấp nhận được về tên gọi, lỗi chính tả: Tên của bệnh viện là “Bệnh viện Đa khoa Đông Anh”, nhưng trong các văn bản của “Bộ KH&ĐT” đều ghi là “bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh”. Chữ “giải ngân” thì lại viết thành “rải ngân”.
Những vụ việc được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, kết luận càng cho thấy thủ đoạn tinh vi của các đối tượng. Trước đó, khi kiểm tra tính xác thực nguồn vốn Dự án Khu đô thị Nam Thái (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á), có trụ sở tại Khu đô thị mới Him Lan, phường Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, xác định: Công ty Đông Nam Á do ông Nguyễn Bá Tiến làm Giám đốc có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TV – Cung cấp tài chính quốc tế Wellstar (Công ty WellStar) – Cộng hòa Liên bang Đức, địa chỉ tại Berlin, Đức; có địa chỉ giao dịch tại Hà Nội do ông N.Đ.K – một Việt kiều Đức làm chủ tịch.
Theo hợp đồng, ông này là người có khoản tiền trên 33,2 triệu USD tại Ngân hàng HSBC tại London (Anh) đầu tư cho các dự án BT, BOT của Công ty Đông Nam Á tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, đã phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo gồm: Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Wellstar và Công ty Đông Nam Á chỉ nêu góp vốn vào các dự án BT, BOT của Công ty Đông Nam Á tại Thái Nguyên (không ghi rõ tên dự án, tổng mức đầu tư); không thể hiện mức ăn chia lợi nhuận từ các dự án.
Một điểm nghi vấn nữa là vào tháng 9-2009, cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Bá Phiếu, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư XNK Thiên Phú An (Hải Phòng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiếu đã thành lập nhiều doanh nghiệp để môi giới cho các đơn vị, cá nhân vay vốn tín dụng của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Trong tài liệu thu giữ có bản cam kết của Công ty Wellstar do N.D.K làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ký cho Công ty Thiên Phú An vay từ 20 đến 200 triệu euro để triển khai dự án xử lý rác thải và 100-500 triệu USD để triển khai Dự án xây dựng bệnh viện quốc tế tại Việt Nam. Qua xác minh, Công ty Wellstar không có thật.
Cảnh giác trước các thông báo giải ngân, đóng tiền
Nạn nhân các đối tượng nhằm vào là các cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư kinh doanh, sản xuất. Một số trường hợp đánh vào lòng tham của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh Tài chính Tiền tệ và Đầu tư, Bộ Công an cho biết: Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo về phía cá nhân phần lớn là những người lao động tự do, một số trường hợp đã có tiền án tiền sự, nhiều trường hợp có mối quan hệ không rõ ràng. Về phía các doanh nghiệp thì phần lớn không có địa chỉ rõ ràng, thường xuyên thay đổi địa chỉ kinh doanh; các tổ chức tài chính, nhân đạo quốc tế, phi chính phủ không có thật.
Trong trường hợp này, thông qua các mối quan hệ vòng vo, các đối tượng tìm cách tiếp xúc với các cán bộ lãnh đạo, có uy tín, có chức vụ để nhờ cậy, tác động, tạo sức ép với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương để gửi đơn, đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện.
Đối tượng nhằm vào các địa phương gặp khó khăn về vốn đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế; trình độ dân trí chưa cao, thiếu hiểu biết về các quy định của Nhà nước trong việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài.
Sau đó, các đối tượng câu kết, móc nối với các cá nhân (là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư không có thật) nước ngoài vào tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để tạo niềm tin; thành lập doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống với các tổ chức có uy tín trên thế giới dễ gây nhầm lẫn.
Một số trường hợp còn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước (điện chuyển tiền, séc, trái phiếu, hối phiếu thanh toán quốc tế…) để tạo niềm tin, chứng minh năng lực tài chính, nguồn gốc số tiền, “kho báu”. Công ty cổ phần CP Asean Đồng Tiến (TP Hồ Chí Minh) gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang để xin chủ trương đầu tư dự án “Khu liên hợp Nhà máy chế biến lương thực Đồng Tiến Hậu Giang”.
Trong hồ sơ có Thư bảo lãnh trị giá 350 tỷ USD của Ngân hàng HSBC Hongkong. Đáng chú ý, Công an tỉnh đã xác minh, xác định Thư bảo lãnh giả và đã tham mưu cho UBND tỉnh từ chối chủ trương cấp phép đầu tư dự án. Tuy nhiên, Công ty ASean Đồng Tiến vẫn được cấp chủ trương đầu tư và đã sử dụng để lừa đảo gây thiệt hại 820 triệu đồng.
Một số đối tượng lợi dụng sơ hở của các cơ quan Nhà nước, ngân hàng trong việc cung cấp các giấy tờ giả xác nhận việc gửi, giữ tài sản, văn bản tiếp nhận đơn thư, đăng ký dự án để hoạt động lừa đảo. Một số đối tượng thông qua các hình thức liên lạc (điện thoại, thư điện tử, fax, mạng xã hội) đề nghị các cá nhân làm trung gian để tiếp nhận các khoản tiền thừa kế, cho, tặng cá nhân ở nước ngoài đã chết để được hưởng phần trăm hoa hồng nhằm đánh vào lòng tham của con người. Nếu mất cảnh giác, trả lời các đối tượng này sẽ bị đối tượng yêu cầu ứng trước một khoản kinh phí để làm thủ tục nhận tiền rồi chiếm đoạt.
Trong trường hợp nhận thấy các biểu hiện lừa đảo, các tổ chức, cá nhân cần phải báo cáo sự việc đến các cơ quan chức năng. Việc tuyên truyền, phổ biến về phương thức và thủ đoạn phạm tội của các đối tượng cũng cần phải thường xuyên…