Năm 2022, VIB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021, duy trì hiệu suất sinh lời (ROE) ở mức trên 30%.
Kết quả tăng trưởng lợi nhuận của VIB đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của nhà băng xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.
ROE của VIB năm thứ 3 liên tiếp đạt mức trên 30%, thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành ngân hàng. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% (quy định của Ngân hàng Nhà nước). Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,79%.
Tại ngày 31/12, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 343.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng cơ sở khách hàng bán lẻ. Đại diện VIB cho biết, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời góp phần duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Tính đến cuối năm 2022, VIB ghi nhận số lượng khách hàng mới đăng ký qua kênh số đạt 40% trên tổng số khách hàng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 65% so với năm 2021. Số lượng và giá trị giao dịch trên các kênh số của ngân hàng này luôn tăng gần gấp đôi qua các năm.
Mô hình 3-first, gồm Mobile-first, Cloud-first và AI-first được VIB ứng dụng trong xây dựng không gian trải nghiệm tương tác số, thu hút hơn 93% tổng lượng giao dịch, đưa ngân hàng vào top đầu ngành về tỷ trọng hoạt động trên các nền tảng trực tuyến.
Trong đó, sản phẩm nổi bật của ngân hàng là MyVIB 2.0 – Ngân hàng số đầu tiên cung cấp trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và là ứng dụng Mobile Banking Cloud Native tại Việt Nam.
Với lợi thế sở hữu đa dạng các dòng thẻ mang hàm lượng công nghệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của từng nhóm khách hàng, VIB đã phát hành hơn 2,4 triệu thẻ, riêng thẻ tín dụng đạt hơn 600.000 thẻ. Thị phần chi tiêu thẻ của VIB chiếm gần 35% tổng doanh số chi tiêu của Mastercard tại Việt Nam. Kết quả này đạt được nhờ các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng sử dụng thẻ, qua đó thúc đẩy tổng chi tiêu thẻ hơn 3,1 tỷ USD trong cả năm 2022.
Theo đại diện VIB, ngân hàng tiếp tục chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm xuyên suốt, đón đầu thị hiếu, nâng tầm trải nghiệm người dùng thông qua các sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ngân hàng đã thiết kế và cho ra mắt các gói tài khoản gồm nhiều dịch vụ kèm theo như: gói tài khoản Sapphire dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu giao dịch, thanh toán thường xuyên; gói tài khoản Diamond dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu tận hưởng các đặc quyền ưu tiên; gói tài khoản Reserved miễn phí mọi phí giao dịch cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ.
Việc đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng đã giúp nhà băng này có thêm hơn một triệu khách hàng mới, đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành kế hoạch mục tiêu 4 triệu khách hàng năm 2022.
Đến nay, VIB đã dành 150 triệu USD giải ngân từ IFC để đẩy mạnh phân khúc cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồng thời phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ các nữ lãnh đạo phát triển kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vừa qua, nhà băng này đã công bố Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 là 10% trên vốn điều lệ. Dựa trên kết quả lợi nhuận năm 2022, ngân hàng có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VIB sẽ trình kế hoạch cổ tức tiếp theo để lấy ý kiến phê duyệt của cổ đông và triển khai thực hiện sớm trong năm.
Minh Lâm