Trước đó ThaiBev chủ yếu vay nợ để tài trợ cho thương vụ thâu tóm này. Theo UOB Kay Hian, Tập đoàn Thái Lan đã tiến hành 6 khoản vay khác nhau với số tiền tương ứng là 164 tỷ bath. Lý do là ở thời điểm mua Sabeco, Vietnam Beverage rất khó huy động được số tiền lớn như vậy khi thời gian chào bán gấp rút.
Chuyên gia phân tích Thai Wei Ying của UOB Kay Hian cho biết: “ThaiBev với tiềm lực tài chính lớn và những mối quan hệ tốt của mình đã đồng ý đảm bảo tài chính ban đầu cho thương vụ thâu tóm, với kế hoạch tái cấp tài chính phù hợp sau khi thương vụ hoàn tất”.
Hệ số nợ ròng năm 2018 của ThaiBev dự báo sẽ tăng mạnh từ 0,2 lên 1,5. Dù vậy, rủi ro về thanh toán khoản nợ mới là không quá lớn do các khoản vay được đảm bảo bằng chính cổ phiếu của Sabeco.
Trước đó, trong khi chờ đợi đánh giá về tình hình hoạt động và tài chính của ThaiBev trong thương vụ Sabeco, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings của Thái Lan xếp ThaiBev vào danh sách theo dõi tiêu cực (Ratings Watch Negative).
UOB Kay Hian bình luận thêm: “Thông qua Sabeco, hãng bia lớn nhất Việt Nam sở hữu hơn 40% thị phần, ThaiBev có thể nhanh chóng tiếp cận với đất nước có văn hóa uống bia và dân số tăng trưởng nhanh. Việt Nam là thị trường bia lớn nhất ASEAN và đứng thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản”.
Ngoài ra, ThaiBev cũng tiếp cận được với mạng lưới phân phối rộng khắp tại Việt Nam. UOB Kay Hian dự báo thị trường Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị cộng hưởng tích cực như bán chéo sản phẩm. Thương vụ thâu tóm Sabeco phù hợp với tầm nhìn của ThaiBev đến năm 2020, với mục tiêu đa dạng hóa các nguồn doanh thu từ thị trường nước ngoài để tăng trưởng bền vững.
Hiện tại, 97% doanh thu của Thaibev đến từ thị trường nội địa. Vì vậy, để củng cố vị trí ở Đông Nam Á, ThaiBev tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài và hướng tới mục tiêu đạt được hơn 50% doanh thu đến từ khu vực nước ngoài vào năm 2020.
Chốt phiên hôm 8/2/2018, giá cổ phiếu SAB đã giảm mạnh từ mức hơn 330.000 đồng/cp vào tháng 12 năm ngoái xuống còn 225.000 đồng/cp.