Những năm gần đây, điều hòa nhiệt độ đã trở thành mặt hàng thiết yếu trong mỗi gia đình tại Việt Nam. Sự sôi động của thị trường bất động sản cũng như tình hình biến đổi khí hậu gay gắt đã khiến nhu cầu sử dụng điều hòa ngày càng gia tăng và đây thực sự là mảnh đất kinh doanh màu mỡ.
Hiện tại, thị trường điều hòa nhiệt độ phần lớn rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại, có thể kể tới các thương hiệu như Panasonic, Daikin, LG, Toshiba… Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực này, những cái tên đáng chú ý nhất chỉ có thể là REE với thương hiệu Reetech, Hoà Phát với Funiki hay Nagakawa (NAG).
Trong đó, REE phần lớn cung cấp điều hòa cho các dự án, còn điều hòa cho hộ gia đình thì còn khá hạn chế. Còn với Nagakawa, thương hiệu điều hòa này được sử dụng tương đối rộng rãi trong các hộ gia đình và một số dự án. Hiện tại, Nagakawa là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất được điều hòa máy lớn máy trung tâm.
Nagakawa đang làm ăn ra sao?
Được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở liên doanh với đối tác Trung Quốc, Nagakawa đã mau chóng trở thành một trong những thương hiệu điều hòa được biết đến rộng rãi. Trên đà bứt phá, năm 2011, Nagakawa đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Bắc Ninh để nâng công suất, đồng thời đầu tư một dự án bất động sản gần 500 tỷ đồng tại Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bất động sản đóng băng, sức mua giảm dẫn đến hàng tồn kho cao (140 tỷ đồng năm 2011, mức cao nhất của công ty), trong khi đó tốc độ trượt giá lại quá nhanh và lãi suất vay tăng cao đã khiến cho Nagakawa không kịp trở tay. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải vào những lĩnh vực như khoáng sản, thép… đã khiến Nagakawa gặp không ít khó khăn.
Trong năm 2011 và 2012, Nagakawa lần lượt lỗ 16,3 tỷ đồng và 9,6 tỷ đồng. Đây là những con số kém tích cực nhất của doanh nghiệp kể từ ngày thành lập.
Đứng trước những khó khăn, Nagakawa đã tiến hành tái cơ cấu, loại bỏ các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi là điều hòa cũng như các sản phẩm điện lạnh liên quan. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh mảng thi công điều hòa dự án thông qua công ty thành viên là Công ty Đầu tư và Phát triển kỹ thuật IDT.
Kết quả, hoạt động kinh doanh Nagakawa đã có lãi trở lại từ năm 2013 và bắt đầu chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong 2 năm gần đây. Việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt (dù không quá nhiều) cũng cho thấy công ty đã dần ổn định trở lại sau những năm khó khăn.
Nagakawa lãi kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2017
Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm 2017 cho biết lợi nhuận sau thuế Nagakawa đạt 16 tỷ đồng – gấp đôi cùng kỳ năm trước và hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm 2017. Không những vậy, kết quả đạt được chỉ trong nửa đầu năm 2017 cũng là mức kỷ lục của Nagakawa kể từ khi thành lập (năm 2014 đạt lợi nhuận lớn nhất cũng chỉ hơn 15 tỷ đồng).
Mùa hè nóng kỷ lục, cổ phiếu NAG lên đỉnh 6 năm
Với KQKD tích cực, không bất ngờ khi cổ phiếu NAG đã tăng “phi mã” trong thời gian gần đây. So với mức giá đầu tháng 6 chỉ quanh quẩn 5.000 đồng thì thị giá NAG hiện đã tăng khoảng 80% lên 9.000 đồng, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu trong 6 năm qua.
Biến động cổ phiếu NAG trong 3 năm qua
Cơ cấu cổ đông Nagakawa khá cô đặc với khoảng 60% cổ phần thuộc về ban lãnh đạo và những người liên quan. Mới đây, bà Nguyễn Huyền Thương – Phó Chủ tịch HĐQT Nagakawa đã đăng ký mua 700 nghìn cổ phiếu để nâng sở hữu lên trên 5% cũng là yếu tố thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu.
Ngoài ra, việc cổ phiếu NAG tăng mạnh còn do giới đầu tư đặt kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản đang diễn ra sôi động. Bên cạnh đó, những biến động khó lường của thời tiết, như đầu hè vừa qua, Hà Nội đã trải qua đợt nóng kỷ lục trong suốt 40 năm cũng là yếu tố thuận lợi cho công ty.