Lời muốn nói của những doanh nghiệp nhỏ đi gõ cửa vay ngân hàng

Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 8/2017, dư nợ tín dụng của DN nhỏ và vừa đạt 1,29 triệu tỷ đồng; tăng 7,49% so với cuối năm 2016 và chiếm hơn 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện nay có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có dư nợ tại các TCTD.

Mặc dù tín dụng đối với DN nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tiếp cận thông tin, việc cho vay DN nhỏ và vừa vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Là DN chuyên về nông nghiệp, ông Lâm Văn Chiểu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân – DN sản xuất giống lúa lai chia sẻ tại Hội thảo” Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, nêu lên thực tế, doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam với diện tích sản xuất lớn nhưng là diện tích đi thuê của bà con nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” vùng sản xuất tập trung với vốn đầu tư xây dựng trung bình 60 triệu đồng/ha. Do phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn nên ông Chiểu đề nghị ngân hàng xem xét DN làm ăn hiệu quả được tăng tỷ lệ vay tín chấp, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo ông Chiểu, hiện nay các DN đang rất cố gắng gồng mình để vượt qua và chống chọi với những khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại, đặc biệt với các DN nông nghiệp mức độ rủi ro ngày một gia tăng, rủi ro về giá, rủi ro về dòng vốn, rủi ro về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… khó khăn tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Do vậy ông Chiểu thay mặt cộng đồng DN đề nghị hệ thống ngân hàng và các cơ quan chức năng hỗ trợ để nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng; xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả.

Bà Lê Phương, Giám đốc Công ty TNHH Chè Á Châu cho biết việc thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ trở thành vòng luẩn quẩn: vốn ít dẫn đến đầu tư công nghệ thấp, khiến năng suất thấp và kéo theo tốc độ tăng trưởng thấp. Từ đó, khó tích luỹ vốn cho nền kinh tế.

Theo bà Phương, một nguồn tài chính còn đang bị bỏ ngỏ hiện nay đối với các DN nhỏ và vừa trong ngành chè nói riêng và các DNNVV đang hoạt động nói chung đó là Quỹ đầu tư mạo hiểm. Không như các quỹ khác của Nhà nước, Quỹ đầu tư mạo hiểm chủ động đi tìm DN để đầu tư. Mặc dù hiện tại các Quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ tập trung tới các DN khởi nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm đến các cơ hội hợp tác với các DN đang hoạt động.

Quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro khi cùng DN đối mới công nghệ, nếu thành công thì cũng chia lợi nhuận và nếu lỗ thì cùng chịu nên họ rất khắt khe về việc thẩm định các dự án của DN. Để có thể phát huy nguồn tài chính này, về phía DN cần xây dựng được các phương án đổi mới công nghệ thực sự hiệu quả cao về lợi nhuận mới có thể thu hút sự chú ý của Quỹ.

Về phía Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, đồng thời thông qua các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội để đưa thông tin về các Quỹ đầu tư mạo hiểm đến với DN.

Ông Trần Quốc Toản – đại diện Công ty TNHH Toản Xuân cho biết, việc Chính phủ ban hành nghị định 55/2015/NĐ-CP Về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch và dự kiến xây dựng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Đây là thể hiện quan điểm cụ thể của Đảng và nhà nước đối với phát triển nông nghiệp nông thôn trên tất cả nước để phấn đấu có một nên nông nghiệp hàng hoá bền vững phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên để chính sách tín dụng đó đến với doanh nghiệp nông nghiệp nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước lại là một vấn đề không dễ đối với các tổ chức tín dụng và người được thụ hưởng là các doanh nghiệp… vậy vấn đề cần tháo gỡ nằm ở đâu trong công cuộc kiến thiết này.

Theo ông Trần Quốc Toản, trước hết chúng ta phải thống nhất rằng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố làm nên đa dạng sản phẩm nông nghiệp trong rổ sản xuất hàng hoá nông nghiệp hiện nay. Để có những thành tích xuất khẩu nông nghiệp trên 30 tỷ đô la, nền tảng chính vẫn là các DN nông nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề đặt ra hiện nay là các DN vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức:

Trước tiến trình hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng đòi hỏi cạnh tranh mức cao hơn. Muốn tồn tại trong cạnh tranh ngay cả trên sân nhà các sản phẩm phải đạt được yếu tố mẫu mã, chât lượng, nguồn gốc xuất xứ… đáp ứng được các yếu tố kiểm định nước ngoài… phần lớn các DN nhỏ và vừa hiện nay không đáp ứng được.

Để giải quyết được các vấn đề nâng cấp được đẳng cấp vị thế sản phẩm các DN phải đặt ra là cấu trúc lại mô hình sản xuất đưa tiến bộ khoa học và quản lý vào canh tác. Muốn cấu trúc chắc chắn phải dựa nguồn lực lớn vào tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng xuất phát từ quy định bảo toàn vốn nên việc cho vay đối lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thời tiết thị trường là cả thách thức đối với ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, ông Toản cho rằng phải tổ chức được chuỗi sản xuất có thương hiệu cụ thể, đáp ứng được các tiêu chí sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm an toàn … theo chuẩn mực thế giới và Việt Nam; Có chiến lược thị trường, phát triển thị trường rõ ràng cho phân khúc sản phẩm mình sản xuất; Áp dụng đầy đủ kịp thời các thành tựu KHCN tin học tự động hoá trong canh tác, lưu trữ, chế biến, đóng gói ….

Về phía ngân hàng, theo đại diện Công ty Toản Xuân, cần xác định được thực lực các chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín công nghệ cao – nông nghiệp sạch; Những dự án cho ra những sản phẩm được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh tốt; Áp dụng chính sách nới lỏng thế chấp cho những doanh nghiệp có sản phẩm được thị trường đón nhận.

“Bên cạnh đó Đảng và nhà nước cũng nên nghiên cứu thông qua các ngân hàng có chính sách lãi suất phù hợp cho các Doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, theo quan điểm của chúng tôi mức lãi suất để có thể thực thi được dự án công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, lãi suất ở mức 5% đến 6%/năm thì doanh nghiệp mới có hiệu quả và mạnh dạn đầu tư”, đại diện công ty này đề xuất.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần làm rõ các khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từ đó xây dựng bộ tiêu chí cụ thể áp dụng tín dụng cho các thực thể trên một cách hợp lý có tính khả thi cao.

“Trong thời gian vừa qua rất mừng là đã có các doanh nghiệp lớn tham gia và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhưng liệu những doanh nghiệp này có gánh được nhiệm vụ phát triển nông nghiệp mang tính dẫn dắt không chúng ta cần suy nghĩ. Nhưng nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước phát triển mạnh mẽ chắc chắn sẽ cho một bức tranh nông nghiệp phong phú tham gia thị trường nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trên thế giới đúng theo bản chất phong phú của tự nhiên”, ông Toản nói.

Bài viết mới