Sáng 6-9, phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp (U BT P) tiếp tục cho ý kiến về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ (báo cáo).
Thượng tướng Lê Quý Vương
Cho ý kiến báo cáo, Thượng tướng Lê Quý Vương , Thứ trưởng Bộ Công an cho biết các vụ án về tham nhũng lớn đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra từ giai đoạn trước, cách đây 6-7 năm như: vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Phạm Thanh Bình ở Vinashin , Vinalines hay Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.
“Thực tế cho thấy các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của giai đoạn trước, do quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập “sân sau”- ông Vương nhìn nhận.
Theo ông Vương, qua các vụ án tham nhũng nổi lên 3 vấn đề.
Thứ nhất việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa hiệu quả. Luật PCTN quy định 19 đối tượng đề cập công khai, nhưng hiệu quả chưa cao.
Thứ hai là đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, “cầm tiền chia chỗ này chạy chỗ kia”; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan…
“Đơn cử như sai phạm PVC – vụ án đang điều tra thì việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu EPC. Hay lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng. Hiện đang xử OceanBank , cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý” – ông Vương nói.
Thứ 3 là hoạt động của kiểm toán nội bộ, thanh tra chuyên ngành chưa hiệu quả.
Cũng theo ông Vương, có vướng mắc hiện nay là thực hiện giám định tư pháp một số vụ án kéo dài. Ông Vương dẫn ví dụ việc viều tra vụ PVC, hiện 46 công ty trong PVC có 67 dự án trong khoảng 4 năm, dự phòng rủi ro rất khó nên công tác giám định cũng khó. Vụ án Phạm Công Danh hiện cũng mới mở ra giai đoạn 2, vừa rồi mới giải quyết được ông Trầm Bê …
Theo Tướng Vương, nếu như lĩnh vực ngân hàng, hiện đang được tái cơ cấu, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu, thì lĩnh vực đáng lo ngại là tình trạng đất đai, rất tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
“Lo ngại nhất là tình trạng đất đai, tiềm ần tham nhũng. Hà Nội nhiều khu đất để cỏ mọc nhiều năm hay các dự án BOT , BT … cũng là tiềm ẩn tham nhũng”- ông Vương cảnh báo.
ĐBQH Vũ Trọng Kim: “Chống tham nhũng hay chống lưng nhau…”
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thẳng thắn đánh giá báo cáo chưa đạt yêu cầu, chưa đúng tầm một báo cáo của Chính phủ đưa ra QH.
Đi vào góp ý cụ thể, ông Kim đề nghị rút khỏi nội kê khai tài sản. “Tại sao khai chỉ đạt 95 hay 98%? Thiếu mấy người kê khai thì đi đâu, chạy đi nước ngoài à? Đặc biệt báo cáo cần cập nhật vào báo cáo các đại án, các vụ BOT và xử lý các vụ này đến đâu…? Cuộc chiến chống tham nhũng phải trúng địa chỉ, củi không đưa vào lò thì lò tắt”.
Tiếp tục mổ xẻ, ông Vũ Trọng Kim nêu con số trên 3.800 người phải chuyển đổi công tác vì ở vị trí công tác nhạy cảm để PCTN là không thành công vì họ thường lên vị trí cao hơn.
“Ở 1 cơ quan, tôi đố thay đổi được kế toán trưởng vì vị trí này gắn chặt, cấu kết với thủ trưởng. Tôi đã từng làm thủ trưởng tôi quá rõ”- ông Kim bộc bạch.
Theo ông Kim, khi đến với dân thì dân hay trực tiếp cán bộ cơ sở sẽ chỉ từng rõ ông cán bộ huyện, tỉnh, xã tham nhũng. Nhưng báo cáo quá mờ nhạt khi chỉ có 25 người đứng đầu cơ quan bị xử lý do để xảy ra tham nhũng.
“Đặc biệt là có 3 người kê khai tài sản không trung thực thì đưa vào báo cáo làm gì vì dân chẳng thể nào tin được. Thoát tội hết, kể cả trung ương cũng thoát tội. Né tránh quá nhiều, tổ chức thực hiện quá kém và bản lĩnh yếu”- ông Kim thẳng thắn.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Trọng Kim, cơ quan nào cũng thấy tham gia, được phân công PCTN.
“Nhưng chẳng biết anh nào chống tham nhũng thật, anh nào chống giả, chống tham nhũng hay chống lưng nhau. Quá trì trệ, 1 vụ án kéo dài mấy năm không xử lý nổi” – ông Kim nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kim, ở Trung ương, Tổng Bí thư đang chỉ đạo rất quyết liệt việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ PCTN nhưng hiệu quả không rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.
Theo ông Kim, giữa năm 2018, QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ, Quốc hội thì cần mở rộng ra các tổ chức đoàn thể, kể cả mặt trận.
Không đồng tình báo cáo còn nhiều “khoảng trống”, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao góp ý báo cáo cần cụ thể hơn như phải làm rõ trong các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện thì có bao nhiêu vụ, bao nhiêu phần trăm trong lĩnh vực ngân hàng, đất đai…
Trưởng Ban Nội chính tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học đánh giá, công tác PCTN đang đứng trước điều kiện tốt nhưng nội dung báo cáo chưa bắt nhịp được quyết tâm của trung ương và yêu cầu của người dân. Đánh giá không sát, số liệu không thống nhất, nguyên nhân chung chung và giải pháp không mang tính đột phá.
“Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm 2016. Ngay trong số liệu, các báo cáo khác nhau lại có số liệu khác nhau. Như vậy là tình hình tham nhũng tăng hay giảm?”- ông Học đặt vấn đề.
Rồi công tác phát hiện phòng chống tham nhũng ở địa phương chưa mạnh mẽ quyết liệt, sự đồng bộ trong các cơ quan và giữa trung ương, địa phương chưa tốt. “Nói là phức tạp nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ lại tăng. Như vậy có phù hợp hay không? Hay cả năm 2017 chỉ có 25 người bị xử lý. Khi không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì công tác PCTN không thể tiến lên được”- ông Học khẳng khái.
Còn ĐBQH Dương Ngọc Hải (Long An) cho rằng báo cáo của Chính phủ về tham nhũng ngày càng giảm và dự báo năm 2018 giảm là chưa toàn diện về tình hình tham nhũng hiện nay. Báo cáo cũng nêu công tác phát hiện tội phạm qua thanh tra, ngoài ra các nguồn phát hiện khác như khiếu nại tố cáo, tố giác, tin báo, thông tin truyền thông chưa có số liệu minh hoạ…
“Vì vậy báo cáo còn phiến diện, chưa thấy nguyên nhân và giải pháp để xử lý”- ông Hải đánh giá.