Nương theo làn sóng FDI
Hơn 20 năm trước, Việt Nam bắt đầu mở cửa đón chào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh khung pháp lý còn hạn chế, năm 1995 là Toyota, năm 1996 là Samsung mạo hiểm đặt những bước chân đầu tiên vào Việt Nam. Cú đầu tư mạo hiểm ngày nào giờ đã đạt quả ngọt khi 2 hãng này đều là những ông lớn FDI đứng đầu trong ngành lớn là ô tô và điện tử.
Các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò lớn với nền kinh tế khi chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu và 60% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Không chỉ đóng góp vào các cân đối vĩ mô, khối doanh nghiệp FDI còn tạo ra việc làm cho một lượng lao động lớn.
Đơn cử như với 6 nhà máy tại Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử thông minh, điện gia dụng, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, đến nay, Samsung Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm 2016 đạt khoảng 40 tỉ USD, tạo việc làm cho gần 137.000 lao động.
Ngoài tạo ra lợi ích trực tiếp, khối doanh nghiệp FDI còn mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ. Nhỏ, lép vế là những nét vẽ cơ bản phác thảo về chân dung nhóm doanh nghiệp nhỏ phụ trợ Việt Nam. Nhưng cũng không thể phủ nhận những tác dụng tích cực từ FDI như trường hợp của Rạng Đông.
Công ty này được tạp chí Forbes xếp vào 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017. Doanh thu của Rạng Đông đạt mức gần 3000 tỷ đồng, vốn hóa gần 1500 tỷ đồng. Theo tự bạch của công ty, Rạng Đông là một trong 5 đối tác chiến lược khu vực châu Á của Samsung trong việc cung cấp linh kiện chip LED. Hiện với năng lực sản xuất đạt 150 triệu sản phẩm chiếu sáng/năm, Rạng Đông là nhà sản xuất bóng đèn quy mô lớn nhất cả nước.
Không nổi tiếng như Rạng Đông, 2 năm trước CTCP sản xuất điện tử Thành Long chưa hề được biết đến trong làng điện tử nhưng hiện là đơn vị cung ứng cấp 2 cho Samsung về bo mạch điện tử. Theo chia sẻ của giám đốc công ty này với báo chí, doanh thu năm 2016 của Thành Long là 18 triệu USD. Hay một công ty khác là HTMP Việt Nam mặc dù không có phòng kinh doanh nhưng đơn hàng lúc nào cũng dồn dập. HTMP hiện là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, Canon, Panasonic các sản phẩm khuôn mẫu chính xác, sản phẩm nhựa.
Không có hôn nhân nào mãi mãi
Ông Nguyễn Văn Hào, giám đốc công ty HTMP Việt Nam cho biết thêm nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ rất lớn nhưng cạnh tranh về giá cũng vô cùng khốc liệt. Những yếu tố được các doanh nghiệp FDI đưa ra khi chọn làm đối tác theo thứ tự bao gồm: Giá cả cạnh tranh, cam kết về chất lượng, đảm bảo về các điều khoản giao hàng. Kể cả một doanh nghiệp là bạn hàng lâu năm cũng vẫn bị loại nếu không đáp ứng được các tiêu chí trên.
“Không có một cuộc hôn nhân mãi mãi với các doanh nghiệp FDI nếu doanh nghiệp phụ trợ trong nước không nỗ lực cải tiến kỹ thuật, công nghệ và xây dựng niềm tin với khách hàng”, ông Hào từng chia sẻ với báo chí.
Giữ được mối đối tác đã khó, để được chọn làm đối tác của các ông lớn cũng không phải là chuyện gian nan. Trong một sự kiện triển lãm tìm nhà đối tác linh kiện cho Samsung có doanh nghiệp từng than thở có những sản phẩm hoàn toàn có thể cung ứng được nhưng không được lựa chọn bởi không có quan hệ, phải qua nhiều khâu, nhiều bước và còn phải phụ thuộc vào các tổng thầu của Samsung đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Thế mới có chuyện suốt nhiều năm doanh nghiệp Việt khoác trên mình cái mác chưa thể cung ứng nổi ốc, vít cho doanh nghiệp ngoại.
Nhưng mới đây bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viettronics Công nghiệp, nguyên nhân là cả 2 bên chưa có một kênh kết nối. Hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc còn tổ chức những buổi triển lãm ngược để tìm doanh nghiệp nội có khả năng cung ứng. Hay như cách là của Samsung là thông qua Hiệp hội điện tử Việt Nam giới thiệu cho họ những doanh nghiệp tiềm năng.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng theo báo cáo của Bộ công thương năm 2016, năng lực đáp ứng của ngành công nghệp hỗ trợ của Việt Nam còn thấp. Trong đó cao nhất là ngành linh kiện phụ tùng cho ngành cơ khí chế tạo và xe máy đáp ứng được 85-90%, với ngành ô tô chỉ đáp ứng 10-15%, ngành điện tử gia dụng 30-35%, các ngành điện tử khác đáp ứng khoảng 15%, ngành da giày đáp ứng 50%, dệt may khoảng 45%.
Những người làm trong ngành mổ xẻ và thống nhất những nguyên nhân chính dẫn tới điều này gồm: Vốn, mặt bằng sản xuất, đầu ra sản phẩm, thiếu tự tin khi tiếp cận với doanh nghiệp FDI khi xung quanh là các nhà cung ứng cấp 1 dày dặn kinh nghiệm và có mối quan hệ lâu dài.
Mới đây trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang hé lộ cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước. Theo đó trong quá trình sản xuất, Vingroup sẽ ưu tiên mua các linh kiện, phụ kiện mà các doanh nghiệp trong nước đang làm được, đồng thời sẽ hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện được triển khai tại Việt Nam.
Nhìn lại những hành động của Vingroup trong việc vực dậy ngành nông nghiệp có thể tin tưởng vào một tương lai rộng cửa hơn với doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nội địa. Hồi tháng 4, công ty VinEco công bố chính thức hợp tác với 500 hộ sản xuất rau, nấm, gạo, trái cây sạch hay mới đây tâp đoàn này cũng cho biết tiếp tục dành 300 tỷ hợp tác liên kết với 1.000 hợp tác xã, hộ dân.