Theo những triết gia La Mã và Hy Lạp cổ đại, nỗi đau buồn, mất mát là một dấu hiệu phổ biến của loài người và dường như nó không bỏ qua cho bất kỳ ai. Ai rồi cũng sẽ phải một lần trải qua cảm giác mất mát, đau buồn.
Han Baltussen, giáo sư, nhà kinh điển tại Đại học Adelaide, đang nghiên cứu cách người xưa viết về nỗi đau và cách họ an ủi làm dịu đi nỗi đau, bởi ông tin rằng công trình nghiên cứu của họ chứa đựng những bài học quan trọng cho xã hội hiện đại. Trong đó, ông cho biết, không ai có thể phủ nhận sức mạnh “điều trị” của ngôn ngữ.
Thông qua ngôn ngữ, chúng ta không chỉ nói rõ được những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân mà còn có thể hợp lý hóa và có nhận thức khác về những mất mát của mình. Ngôn ngữ cũng là phương tiện đặc biệt hữu ích để an ủi những người có tang gia.
Baltussen đã trích dẫn một ví dụ về Cicero, nhà hùng biện và chính trị gia người La Mã, người đã chìm trong nỗi đau đớn sau khi con gái ông, Tullia, qua đời khi sinh con vào năm 45 trước Công nguyên.
Cicero đầu tiên trút bỏ nỗi thống khổ của mình vào các bức thư hàng ngày gửi cho một người bạn đáng tin cậy là Atticus. Sau đó, ông đọc mọi thứ ông có thể tìm thấy về chủ đề đau buồn – và, không hoàn toàn hài lòng với những gì mình đọc được, ông đã viết một cuốn sách với tựa đề “Tự an ủi”. Cuối cùng, ông đã tạo ra một tác phẩm triết học phản ánh về chủ đề này trong khuôn khổ rộng lớn hơn cảm xúc của con người.
Hay như nhà triết học Plutarch, gạt bỏ những đau đớn về cái chết của cô con gái hai tuổi trong khi đi du lịch, ông đã viết một lá thư để an ủi vợ, trong đó ông gợi bà nhớ lại cách cô bé sẽ hào phóng mời những con búp bê của mình cùng ăn với cô. Ông đã vận dụng sức mạnh của ngôn ngữ để “mô tả sinh động hình ảnh cô con gái nhỏ của mình… như một hình ảnh trân quý kéo dài mãi mãi cho người mẹ đau khổ”, Baltussen nói.
Bình luận về vai trò “chữa bệnh” của ngôn ngữ, Baltussen cũng chia sẻ thêm: “Khi bạn thể hiện được cảm xúc và ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ, bạn có thể tiến lên phía trước và thấy cách bạn đã vượt qua những đau đớn, mất mát như thế nào”. Các tác giả hiện đại như C. S. Lewis và Joan Didion cũng tìm kiếm sự an ủi bằng những lời văn trong văn học.
Nhưng bên cạnh đó, việc “y tế hóa” nỗi đau buồn – xem nó như một vấn đề sức khoẻ tâm thần và được điều trị bằng thuốc, sẽ dẫn đến việc ngôn ngữ bị bỏ mặc, lãng quên. Hiện nay, phương pháp tiếp cận y tế đang được đánh giá lại, việc đọc và viết tiếp tục là một phần của “nghệ thuật chữa lành nỗi đau”, bao gồm cả phim, thơ và kịch.
Baltussen cho biết, người xưa đã quá quen thuộc với đủ loại mất mát, không chỉ đau buồn với con người mà còn đối với cả con vật. Đại Đế Alexander cũng được cho là không thể nguôi ngoai sau cái chết của con ngựa của mình. Những sự ghi chép của họ để lại chính là những cây cầu cho phép chúng ta “chạm vào kho chứa kinh nghiệm của những con người đi trước, vượt qua cả khoảng cách lịch sử”.
Đối với ông, kiểm soát nỗi đau buồn và an ủi chính là điều cốt lõi mà nhân loại phải đối phó. Nó được thể hiện qua sự kỳ diệu của ngôn ngữ và nếu chúng ta vận dụng được, mọi đau buồn trên thế gian này sẽ được giải tỏa.