Lọc dầu Dung Quất chồng chất khó khăn

Bộ Công Thương cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao bộ này chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét nội dung báo cáo và kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Chậm tiến độ, không hiệu quả

Gửi bản xin ý kiến đến các bộ, ngành, Bộ Công Thương thừa nhận theo dự kiến ban đầu, việc bàn giao 108 ha mặt bằng sạch cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất phải hoàn thành vào tháng 3-2016, tái định cư hoàn thành vào tháng 10-2016. Thế nhưng, do tiến độ không đạt nên đến ngày 17-2-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp với PVN và cam kết hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án trước ngày 30-6. Tuy vậy, đến nay, công tác chi trả bồi thường vẫn chưa hoàn thành và việc bàn giao mặt bằng chậm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

Sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo lộ trình khí thải đã được thông qua Ảnh: TỬ TRỰC

Sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo lộ trình khí thải đã được thông qua Ảnh: TỬ TRỰC

Quan trọng hơn là công tác thu xếp vốn cho dự án. Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,813 tỉ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 30%/70%. Như thế, khoản vay dự kiến là 1,269 tỉ USD và đang trong giai đoạn thu xếp vốn. Song, do phần vốn vay rất lớn nên để bảo đảm khả năng thu xếp vốn cho dự án, PVN cho rằng cần thiết phải có cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.

Về hiệu quả kinh tế của dự án, kết quả cập nhật vào tháng 9-2016 – khi giá dầu thô cơ sở khoảng 50-70 USD/thùng, cho thấy cùng điều kiện nhà nước không thu điều tiết, không cấp bù, hiệu quả kinh tế cập nhật ở thời điểm hiện nay thấp hơn nhiều so với tính toán tại phương án được duyệt trong giai đoạn lập dự án.

Thực tế, theo lãnh đạo PVN, trong quá trình làm việc để nghiên cứu khả năng hợp tác triển khai dự án, các đối tác tiềm năng nước ngoài như JX Nippon (Nhật Bản), Gazprom Neft (Nga), PDVSA (Venezuela)… đều kiến nghị Chính phủ xem xét cấp bổ sung cơ chế ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế 3%-5%-7% đối với các sản phẩm xăng dầu. Bởi lẽ, theo tính toán, nếu không có cơ chế ưu đãi về thuế sản phẩm xăng dầu thì dự án không hiệu quả, không đáp ứng kỳ vọng đầu tư. Do đề xuất này không được Chính phủ chấp thuận nên các đối tác lần lượt rút khỏi dự án.

Hiện nay, xăng của NMLD Dung Quất có lợi thế hơn về thuế so với xăng nhập khẩu. Nhiều đầu mối xăng dầu trong nước cho hay đã giảm mua xăng của Hàn Quốc để thay thế bằng nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh này sẽ mất đi khi thời điểm năm 2024 đến gần và thuế nhập khẩu xăng về 0% theo quy định của các hiệp định thương mại tự do.

Không ưu đãi, không làm được

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án, PVN đang tiếp tục yêu cầu đơn vị chịu trách nhiệm vận hành NMLD Dung Quất là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nỗ lực nghiên cứu cắt giảm các chi phí đầu tư, vận hành, tối ưu hóa quá trình sản xuất – kinh doanh… Nếu làm tốt, có thể kỳ vọng nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế của dự án nhưng vẫn sẽ thấp hơn mức tối thiểu theo yêu cầu. Cũng không thể không tính đến trường hợp vì lý do hiệu quả kinh tế không đạt kỳ vọng, dự án không được triển khai thì sản phẩm của NMLD Dung Quất sẽ không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, phải tìm thị trường để xuất khẩu, thậm chí có thể phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động.

Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là hết sức cấp thiết, nhằm cho phép nhà máy chế biến được các loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn dầu ngọt trong nước đang cạn kiệt và có giá thành cao. Đồng thời, nâng cấp chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy đạt tiêu chuẩn Euro 5 để đáp ứng quy định của nhà nước về lộ trình tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định của Chính phủ.

Thực tế, NMLD Dung Quất đến nay mới chỉ cho ra sản phẩm xăng dầu đạt mức Euro 3 với xăng RON 95 và mức Euro 2 đối với các sản phẩm còn lại, tức là không thể đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 theo lộ trình khí thải. “Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng dự kiến năm 2021, công suất chế biến nhà máy tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm và chất lượng sản phẩm xăng dầu sẽ đáp ứng chỉ tiêu chất lượng Euro 5” – Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho hay.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, BSR đã có kế hoạch về phương án dòng tiền của dự án, trong đó nguồn thu và chi cân đối trả đúng hạn nợ dài hạn. Công ty cũng cố gắng tìm kiếm nguồn vay có chi phí thấp nhất và thời gian vay dài, trong đó ưu tiên nguồn vay tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, BSR vẫn mong muốn Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay của công ty để có cơ hội tiếp cận được nguồn tiền tối ưu cho dự án, tức là lãi suất thấp và thời gian vay dài hạn.

Bên cạnh đó, PVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành cơ chế ưu đãi bổ sung cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các NMLD trong nước, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của nhà máy này.

“Không thể không làm”

Trong trường hợp đã áp dụng các giải pháp tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư mà hiệu quả kinh tế vẫn không đạt như phương án được thông qua, dự án này sẽ phải chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo có tiếp tục triển khai hay không.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng dự án này đóng vai trò quan trọng và có giá trị tiền đề trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài lọc dầu, dự án sẽ mang lại chuỗi giá trị kèm theo. “Do đó, cần giải quyết vấn đề cấp bách là nguồn vốn cho dự án. Chính phủ nếu không bảo lãnh cho vay được bởi áp lực nợ công lớn thì có thể vay đơn phương, vay thương mại. Vấn đề là tính toán tiết giảm chi phí để dự án có hiệu quả chứ không thể không làm” – ông Ngãi nhìn nhận.

PVN xin Chính phủ bảo lãnh vay vốn để mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Bài viết mới