Mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, theo báo cáo tài chính vừa được công bố, đã có 6 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 20.000 tỷ trong năm 2022.
Ảnh minh hoạ.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử đạt gần 36.693 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm trước. Lợi nhuận của nhà băng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần (chênh lệch giữa thu nhập lãi cho vay và chi phí trả lãi tiền gửi) tăng gần 11.000 tỷ đồng so với năm trước và chi phí dự phòng rủi ro giảm hơn 2.000 tỷ đồng.
Đối với Vietinbank, năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế của BIDV cũng tăng trưởng ấn tượng lên tới 70% so với năm 2021, đạt 23.058 tỷ đồng. Lợi nhuận BIDV tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ cắt giảm 18,6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn gần 23.988 tỷ đồng (giảm 5.493 tỷ so với năm 2021); trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,3%, đạt mức kỷ lục 47.045 tỷ đồng.
Techcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước nhờ kết quả kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MBbank 22.729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, tăng 38% so với năm trước. Trong đó, hoạt động chính của MBbank trong năm 2022 tăng 37% so với năm trước, với 36.023 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Mặc dù lợi nhuận quý 4/2022 sụt giảm đáng kể, nhưng VPBank vẫn ghi nhận lợi nhuận năm 2022 tăng 47,7%, đạt 21.219 tỷ đồng trước thuế, lọt top 5 ngân hàng có lãi cao nhất. Động lực tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu ở những tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 1 ngân hàng có lợi nhuận đột biến nhờ thỏa thuận độc quyền bancassurance.
Ngoài những tên tuổi kể trên, dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022, Agribank nhiều khả năng cũng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ. Trước đó, ngân hàng này báo lãi 6 tháng đầu năm tăng mạnh 60% lên hơn 15.000 tỷ.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 1/2023 do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính cả năm 2022, có tới 80% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh tổng thể “cải thiện” so với năm 2021. Cụ thể, có 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, trong khi đó chỉ có 9,3% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ngân hàng được ghi nhận trong bối nền kinh tế thế giới năm 2022 chứng kiến những biến động chưa từng thấy, khiến kinh tế trong nước khó tránh bị ảnh hưởng. Ngành ngân hàng cũng trải qua những sự kiện chấn động như lãi suất điều hành tăng vọt kéo theo làn sóng tăng lãi suất huy động, kiểm soát đặc biệt ngân hàng SCB tới cú sốc thị trường trái phiếu và bất động sản.
Mặc dù các điều kiện kinh doanh suy giảm nhưng kết quả cho thấy không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành bất động sản, ngành thép, vật liệu xây dựng, hàng không và nhiều lĩnh vực khác chứng kiến lợi nhuận sụt giảm, thậm chí là thua lỗ nặng, trong khi ngân hàng duy trì lãi vay trên 10%, và thu lợi nhuận tỷ đô. Không ít ý kiến cho rằng, rất cần sự chia sẻ của ngành ngân hàng trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang ở thời điểm khó khăn nhất.