Loạt ngân hàng báo lãi đậm quý 1 nhờ lãi suất tiết kiệm giảm

Hàng loạt ngân hàng mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với tăng trưởng lợi nhuận rất cao.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I hợp nhất với lợi nhuận trước thuế tăng 64%, đạt 4.182 tỷ đồng. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 4.920 tỷ đồng, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, thu nhập lãi của VPBank đạt 19.346 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ trong khi chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự đã giảm 5,5% trong bối cảnh lãi suất huy động đi xuống. Nhờ kết quả trên, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 11.323 tỷ đồng, tăng 19% và tạm dẫn đầu trong các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh.

LPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.886 tỷ đồng, tăng 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của ngân hàng, lợi nhuận quý I đã tăng trưởng 85% nhờ ba yếu tố: tăng trưởng tín dụng, hạn chế nợ xấu đi đôi với tăng huy động vốn CASA nhằm cải thiện lãi đầu vào, tăng trưởng các dịch vụ phi tín dụng, dịch vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ,…

Phân tích kỹ hơn, có thể thấy ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi cao hơn cùng kỳ do đẩy mạnh tín dụng (tăng trưởng cho vay 11,7% so với cuối năm 2023), trong khi chi phí trả lãi thấp hơn nhờ lãi suất huy động thấp, giúp thu nhập lãi thuần tăng 25%.

Trong trường hợp của Techcombank, lợi nhuận quý 1 đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử nhờ thu nhập lãi, phí và các hoạt động như ngoại hối, chứng khoán đầu tư. Tương tự như LPBank, Techcombank cũng đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt trong bối cảnh chi phí vốn được cải thiện.

Cụ thể, trong quý 1/2024, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng ấn tượng 30,2% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn được cải thiện xuống mức 3,4%.

Trong quý 1/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã về vùng thấp lịch sử, có thời điểm chỉ 1,6%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định mặt bằng duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Bài viết mới