Theo số liệu của Bloomberg, tính đến hết ngày 21/11, mặt bằng P/E của VN-Index đã lên đến 18 lần – một mức rất cao kể từ 2012 đến giờ. Chứng khoán Rồng Việt nhận định so sánh với các thị trường khác trong khu vực và với PE thị trường cận biên, và kể cả thị trường mới nổi, P/E của VnIndex hiện tại có lẽ đã qua cái thời “rẻ nhất khu vực”.
Việc P/E của thị trường lên mức cao như vậy là hệ quả của việc VN-Index đã tăng 38% từ đầu năm đến nay. Đà đi lên lại chủ yếu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn luôn có P/E cao hơn hẳn mặt bằng chung như Vingroup (VIC), FLC Faros (ROS), Sabeco (SAB) và mới nhất là sự xuất hiện của cổ phiếu Vincom Retail (VRE) được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước săn đón.
Trong nhóm những cổ phiếu vốn hoá lớn nhất, đồng nghĩa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index thì bốn cổ phiếu này cũng có P/E đứng đầu. Theo số liệu của chúng tôi, VIC và ROS hiện có P/E ba chữ số, lần lượt là 218 lần và 105 lần. VRE là 78 lần và SAB là 42 lần.
Bốn cổ phiếu này chiếm 24% vốn hoá của sàn HoSE nhưng chỉ đóng góp 6% tổng lợi nhuận nên đã vô tình kéo mặt bằng P/E của thị trường lên cao hơn mức bình thường.
Với Vingroup và Vincom Retail, P/E một phần là do lợi nhuận hiện tại còn thấp do nhiều dự án lớn đang trong quá trình đầu tư một phần thể hiện kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng trong tương lai.
Bộ đôi ngành bia Sabeco và Habeco cũng có P/E vào loại cao nhất thị trường và cao hơn nhiều so với Vinamilk do nhà đầu tư đang kỳ vọng vào đợt thoái vốn sắp tới đây của nhà nước. Tuy vậy, 2 cổ phiếu bia này có thanh khoản rất thấp.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu tạm bỏ qua 4 cổ phiếu trên, P/E toàn thị trường giảm đáng kể xuống chỉ còn 14,7 lần.
Xét riêng trong phạm vi 30 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất – chiếm 82% vốn hoá và 68% lợi nhuận của sàn HoSE – mức P/E bình quân gia quyền hiện ở mức 21,8 lần và nếu loại trừ 4 cổ phiếu trên là 17 lần.