Hạt mè – “nhỏ mà có võ”!
Hạt mè (vừng) được giới y học mệnh danh là “thực phẩm tam cao” nhờ chứa ba thành phần dưỡng chất vượt trội: Canxi cao, sắt cao và protein cao.
Hàm lượng canxi của hạt mè được chứng minh là cao hơn so với đậu phụ. Tương tự như vậy, lượng sắt có trong loại thực phẩm này thậm chí còn nhiều hơn gan động vật, còn hàm lượng protein thì cao hơn thịt bò và trứng.
Hiện nay, có hai loại hạt mè chủ yếu là mè đen và mè trắng. Theo quan điểm của Trung y, mè đen có nhiều công dụng tốt với sức khỏe như dưỡng gan, bổ thận, tốt cho ngũ tạng, chống lão hóa. Trong khi đó, mè trắng lại là lựa chọn tốt hơn để điều chế các loại tinh dầu.
Một số nghiên cứu hiện đại cũng đã chỉ ra rằng, mè có chứa các chất chống lão hóa, tiêu biểu có thể kể tới như nhiều loại acid béo không bão hòa (acid linoleic, acid palmitic, acid arachidic). Loại thực phẩm này còn có khả năng ngăn ngừa hiệu quả xơ vữa động mạch và các bệnh về tim.
Đặc biệt, hạt mè rất giàu vitamin E. Chất này có thể đóng vai trò ngăn ngừa quá trình oxy hóa, hạn chế cơ thể sản xuất lipid peroxide, từ đó duy trì chức năng của màng tế bào, giúp cơ thể chống lại sự suy giảm theo tuổi tác.
Hơn nữa, mè cũng có hàm lượng lecithin cao. Bởi vậy, đây là loại thực phẩm hữu hiệu ngăn ngừa tóc bạc sớm, duy trì độ ẩm nuôi dưỡng mái tóc, làn da, giúp cơ thể luôn khỏe đẹp, trẻ trung.
Học Trung y cách dưỡng sinh bằng hạt mè
Trung y cho rằng, hạt mè tính bình, vị ngọt, công hiệu chủ yếu là bổ gan, nhuận tràng, đen tóc, chủ trị táo bón, tắc sữa. Loạt hạt này vừa có thể rang khô, nghiền nhỏ ra uống, vừa có thể dùng để nấu cháo, làm dầu mè, tương mè.
Những đối tượng được khuyến khích dùng nhiều hạt mè
Hạt mè đặc biệt thích hợp cho người lớn tuổi bị ù tai, chóng mặt do suy gan, suy thích, người tóc khô, tóc bạc sớm, phụ nữ sau sinh thiếu sữa…
Bên cạnh đó, loại hạt này còn tốt cho người thiếu máu, đối tượng mắc chứng cao huyết áp, lipid trong máu cao, mắc bệnh hen, lao phổi, tiểu đường, xuất huyết giảm tiểu cầu…
Những đối tượng nên kiêng ăn hạt mè
Đây không phải là thực phẩm thích hợp cho các đối tượng mắc viêm ruột, tiêu chảy, phân lỏng. Đàn ông liệt dương, suy tinh cũng nên ăn hạn chế. Phụ nữ mắc chứng khí hư cũng nên đặc biệt cân nhắc.
Hạt mè vốn đã tốt, nhưng sử dụng đúng cách sẽ tăng thêm hiệu quả dưỡng sinh của loại hạt “thần kỳ” này!
Cách phối hợp hạt mè với các thực phẩm khác để dưỡng sinh
– Người cơ thể suy yếu lâu năm, ngũ tạng hư tổn: Dùng hạt mè thêm vào nấu cháo.
– Người thận hư, đau eo, chân tay tê mỏi, choáng váng, ù tai: Dùng hạt mè phối hợp với nhân quả hồ đào.
– Người mắc bệnh về máu (suy giảm tiểu cầu): Phối hạt mè với đậu phộng cả vỏ.
– Người tóc bạc sớm, tóc rụng: Kết hợp hạt mè với hà thủ ô.
*Theo Sina Health