Ngày 26-10, đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) làm việc với BCĐ 389 TP HCM về kiểm tra mặt hàng xăng dầu sau vụ phát hiện 2 triệu lít xăng kém chất lượng tại Nghệ An.
Cơ quan chức năng nhận định xăng dỏm, kém chất lượng có khả năng đã xuất hiện ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389, cho biết khả năng thị trường TP HCM đã có hình thức gian lận tương tự ở Nghệ An. Bởi nguồn cung dung môi (một loại hóa chất giá rẻ so với xăng dùng trong ngành sơn, nhựa đường, không được phép dùng trong xăng nhưng các đối tượng cố tình phối trộn để gian lận – PV) cho doanh nghiệp (DN) xăng dầu gian lận tại Nghệ An cũng được bán hàng cho 3 DN tại TP HCM, trong đó có 2 DN xăng dầu với số lượng lên đến 100.000 lít. Đáng chú ý, DN cung cấp dung môi (trụ sở tại Cần Thơ) khi bán hàng ghi rõ trong hợp đồng là không được phép sử dụng trong xăng dầu để phủi trách nhiệm liên đới.
Trước đó, vào cuối tháng 5, lực lượng Biên phòng TP HCM đã phát hiện một tàu chở 1.000 m3 xăng không rõ nguồn gốc và loại dung môi nói trên trên tàu và tiến hành xử lý, ngăn chặn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của BCĐ 389 TP HCM, công tác kiểm tra đo lường chất lượng xăng dầu của các đoàn kiểm tra trên địa bàn lại cho kết quả khá đẹp. Cụ thể, trong 75 vụ đã kiểm tra chỉ phát hiện 6 vụ vi phạm, phạt hơn 112 triệu đồng, chủ yếu là các lỗi hành chính như: nhân viên trực tiếp bán hàng chưa được tập huấn, không niêm yết thời gian bán hàng, không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn,…
Về vi phạm trong lĩnh vực chất lượng, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết phát hiện 2 trường hợp xăng A95 không đạt chỉ số octan là 95 mà chỉ số chỉ hơn 92 (cao hơn chất lượng xăng A92).
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết xăng dầu nhập khẩu chính ngạch được quản lý chặt chẽ. Tất cả các lô hàng đều phải có kết quả đạt chất lượng mới được thông quan. Thực tế kiểm soát nhập khẩu ghi nhận có rất ít trường hợp xăng dầu nhập khẩu không đạt. Những trường hợp này DN nhập hàng sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính, lô hàng sẽ được tái chế, phối trộn để đạt chất lượng và được xác nhận mới được thông quan.
Tuy nhiên, các loại dung môi các đối tượng dùng để pha vào xăng nằm trong danh mục hóa chất thông thường. Trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho DN thì rất khó cho cơ quan chức năng trong việc bổ sung dung môi vào danh mục hóa chất cần quản lý đặc biệt. Do đó, cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý các đối tượng dùng dung môi sai mục đích.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá kết quả phát hiện xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng TP HCM còn khiêm tốn so với diễn biến thị trường. “Tỉ lệ vi phạm trong số vụ kiểm tra chỉ có 8% là chưa nhiều. TP HCM có đến 534 cửa hàng xăng dầu nhưng chỉ mới kiểm tra được chưa tới 100 trường hợp, hơn 400 cửa hàng chưa kiểm tra thì tình hình chấp hành thế nào? Gian lận trong lĩnh vực xăng dầu hiện rất tinh vi. Nếu đoàn kiểm tra lấy mẫu sau khi xuất trình quyết định kiểm tra thì khó phát hiện xăng kém chất lượng vì các cửa hàng có nhiều chiêu đối phó. Do đó, các đoàn nên áp dụng quy trình đặc thù, cán bộ hóa trang lấy mẫu theo kiểu người tiêu dùng đến mua xăng, sau đó lập biên bản lấy mẫu” – ông Tuấn gợi ý.
Ông Đàm Thanh Thế cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý mặt hàng xăng dầu, nhận diện được các trường hợp có nghi vấn trong việc sử dụng dung môi để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Nhiều vướng mắc trong kiểm tra
Theo một thành viên đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu TP HCM, thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp nhân viên cây xăng gian lận đo lường, móc túi khách hàng để bỏ túi riêng. Trong khi đó, việc xử phạt chỉ tiến hành đối với chủ cây xăng nên thường xuyên xảy ra khiếu kiện. Ngoài ra, cách tính số tiền phạt theo hướng dẫn cũng hết sức phức tạp. Trước đây, mức phạt dựa trên lượng hàng tồn kho tại thời điểm kiểm tra lấy mẫu, nay lại quy định căn cứ trên lượng hàng hóa đã tiêu thụ do không có cơ sở xác định lượng hàng vi phạm đã tiêu thụ.