Lỗ trăm tỷ, Vinaconex – PVC dứt bỏ tên PVC để mong đổi vận?

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thay đổi lần thứ hai do thay đổi thông tin tổ chức đăng ký chứng khoán của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC (mã chứng khoán PVV).

Theo đó, do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC đã đổi tên thành Công ty cổ phần Vinaconex 39 nên Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thay đổi cho công ty. Với sự thay đổi này, Công ty cổ phần Vinaconex 39 sẽ giao dịch trên thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu PVV. Vốn điều lệ của Vinaconex 39 là 300 tỷ đồng.

PVV tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng công trình giao thông Miền Bắc thành lập đầu năm 2007. Sau khi thành lập, công ty có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex-mã chứng khoán VCG) và thành công ty con của Vinaconex, đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giao thông Vinaconex 39.

Sang đến đầu năm 2009, với sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (tên viết tắt PVC, mã chứng khoán PVX), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giao thông Vinaconex 39 chính thức trở thành công ty liên kết giữa 2 Tổng công ty Vinaconex và PVC, đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC.

Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của 2 Tổng công ty, Vinaconex – PVC đã từng có nhiều thành quả kinh doanh tốt, phát triển vượt bậc với nhiều hợp đồng kinh tế trong và ngoài ngành dầu khí có giá trị lớn và trọng điểm như tổng thầu xây lắp công trình bãi đỗ xe ngầm và dịch vụ thương mại Thành Công, tổng thầu xây lắp công trình Khách sạn Lam Kinh-Thanh Hóa; Đường vào nhà máy nhiệt điện Thái Bình; Nhà máy polyester Đình Vũ-Hải Phòng….

Vinaconex – PVC niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2010 khi mà doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận vượt bậc so với giai đoạn 2007-2009. Doanh thu thuần năm 2010 đã tăng vọt hơn 7 lần năm 2009 lên 722 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm 2009.

Nhưng, may mắn không đi cùng công ty lâu. Sự khó khăn chung của nền kinh tế và khó khăn đặc biệt với ngành dầu khí đã khiến tình hình kinh doanh của Vinaconex – PVC sụt giảm nhanh sau đó. Năm 2011, doanh thu giảm nhẹ so với 2010 và đạt 710 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty đã không còn giữ được con số tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của công ty cũng đã thay đổi nhiều trong giai đoạn khó khăn khi cả 2 Tổng công ty đã dần dần rút vốn và cơ cấu lại sở hữu tại Vinaconex – PVC.

Sang năm 2012, doanh thu của công ty sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn gần 380 tỷ đồng. Công ty lỗ nặng gần 48 tỷ đồng năm này.

Năm 2013, Vinaconex – PVC tiếp tục lao dốc với doanh thu chỉ còn chưa đầy 210 tỷ đồng và lỗ gần 98 tỷ đồng thuộc về cổ đông công ty mẹ.

Kết quả kinh doanh của Vinaconex – PVC hồi phục trở lại vào năm 2014, 2015 với doanh thu nhích dần lên nhhưng lợi nhuận 2 năm này đạt chưa đầy 10 tỷ đồng. Không thể nào bù đắp được những năm tháng lỗ trăm tỷ trước đó.

Năm 2016, khó khăn quay lại với Vinaconex – PVC khi mà lợi thế kinh doanh của công ty không còn nhiều nữa và phải loay hoay với tái cấu trúc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mới với tiềm lực tài chính lớn mạnh dần. Vinaconex – PVC lỗ tiếp gần 41 tỷ đồng năm 2016.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 của Vinaconex – PVC, tại thời điểm 30/6/2017, công ty hiện đang lỗ lũy kế chưa phân phối 176 tỷ đồng trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Con đường hồi sinh của Vinaconex – PVC cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng vẫn thua lỗ 9,6 tỷ đồng, giảm lỗ so với mức lỗ 19 tỷ đồng 6 tháng năm 2016.

Năm 2017 này, Vinaconex – PVC nay là Vinaconex 39 đặt kế hoạch doanh thu gần 350 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 12,16 tỷ đồng so với mức thua lỗ gần 41 tỷ đồng năm 2016.

Bài viết mới